“Là nguyện cho chàng, hai chữ an bình an, mau trở lại gia đàng, cho én nhạn hiệp đôi…”.
Là nguyện ước của người chinh phụ gửi kẻ chinh phu trong cái kết của bản Dạ cổ hoài lang (DCHL). Trải hơn một thế kỷ, nỗi lòng riêng của vợ chồng nhạc sĩ Cao Văn Lầu cũng là khúc ca bi tráng về những anh hùng giữ gìn non sông vẫn còn thổn thức tâm tư người nghe.
50 năm đất nước yên bình, non sông nối liền một dải, khi những én nhạn đã vui khúc sum vầy, bài ca “vua” của sân khấu cải lương cũng khoác áo mới để nhập cuộc với thời đại mới.
DCHL THẤM VÀO GIỚI TRẺ
“Chúng ta đời đời ghi nhớ công ơn của những người làm nên đất nước. Họ là chiến sĩ, là người mẹ, người vợ, người cha già nơi quê nhà. Sự hy sinh của người nơi chiến trường là điều không phải bàn cãi. Nơi quê nhà, gia đình của người lính đã dành cả phần đời còn lại để ôm mãi bao kỷ niệm đau nhói mỗi ngày. Đất nước yên bình đánh đổi quá nhiều thứ. Shout out (có thể hiểu là cảm ơn, trân trọng – PV) cho tiếng khóc nấc trong sân khấu DCHL của Mứt Gừng. Câu vọng vổ vang lên, sau đó là tiếng khóc nức nở. Thấm”. Là bình luận của một bạn trẻ khi “thấm” cách DCHL chuyển tải cho người trẻ hôm nay qua “Anh trai vượt ngàn chông gai” – chương trình truyền hình đang “hot” trong giới trẻ!
Một nhạc phẩm “vụt sáng trên bầu trời âm nhạc” (nhận định của cố GS-TS Trần Văn Khê) ra đời cách đây hơn một thế kỷ vẫn thấm vào người trẻ – những chủ nhân thời công nghệ số với đầy những tiện ích và sân chơi giải trí! Không khó để lý giải. Bởi, DCHL được chắp nhặt từ cuộc đời lắm nỗi niềm riêng của nhạc sĩ Cao Văn Lầu cộng với hoàn cảnh chung của đất nước. Điều quan trọng là, khi gia đình ông có một cái kết đẹp (vợ chồng đoàn tụ, con cái đề huề), sau ngày én nhạn hiệp đôi viên mãn ấy, đứa con tinh thần DCHL càng lớn lên lại càng chỉn chu! Trên hành trình xuyên thế kỷ, biết bao bậc tài danh đã nâng khúc nhạc lòng lên tầm cao mới – trở thành bài ca “vua” trên sân khấu cải lương! DCHL xưa tỉ tê trong đêm trường quạnh quẽ, giờ đây còn bước lên sân khấu hiện đại với một dáng vóc mới để phù hợp với khán giả thời đại mới mà vẫn giữ vẻ đẹp bản sắc: hình ảnh “vào ra luống trông tin nhạn”, niềm mong mỏi “én nhạn hiệp đôi” chính là thông điệp sáng ngời về đức thủy chung của người chinh phụ hàm chứa trong khúc nhạc đầy nỗi lòng chung – riêng, khắc khoải ấy!
Trình diễn hoạt cảnh ra đời bản Dạ cố hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu trên sân khấu. Ảnh: H.T
NHẠC LÒNG TRONG… ÁO MỚI
Trong một đất nước phải trải qua chinh chiến trường kỳ thì niềm khát vọng “én nhạn hiệp đôi” luôn cháy bỏng trong lòng những người vợ, người mẹ phải tiễn con, tiễn chồng ra đi vì nước. Trải qua 50 mùa xuân thanh bình, đắm trong tươi đẹp rạng rỡ của hôm nay, chúng ta không thể quên những hy sinh, cống hiến hôm qua. Cho nên, dù không chứng kiến chiến tranh, người của hôm nay vẫn hướng lòng tri ân quá khứ mỗi khi lịch sử giở lại những trang vẻ vang tô thắm truyền thống hào hùng của đất nước mình. Và DCHL, trong nguyên tác nhịp đôi 20 câu hay trong từng lời ca vọng cổ, trên sân khấu cải lương, ở “chiếc áo” nào cũng đủ khả năng chuyển tải những xúc cảm thiêng liêng đó!
DCHL được phục hiện qua thanh nhạc Tây phương, đưa vào trong nhiều sáng tác của cố nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển (như “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang”, “Trở lại Bạc Liêu”…), “cháy vé” khi thành kịch cùng tên trên sân khấu những năm 1994 – 1995…, từng giai đoạn đều chứng minh sức sống mới của bài ca! Những Liên hoan, hội diễn cải lương toàn quốc, câu vọng cổ vẫn ngân ngọt ngào đâu chỉ bởi giọng ca đặc sệt miền Nam (nơi khởi nguồn của DCHL, vọng cổ, cải lương), mà còn tròn vành rõ chữ và đầy cảm xúc bất chấp là giọng miền Trung hay Bắc, cho thấy độ lan tỏa của bài ca “vua” đâu còn phân biệt vùng miền!
“Nhạc truyền thống dân tộc không bao giờ chết. Chỉ cần truyền tải nó theo thời đại là luôn đỉnh nóc, kịch trần!”. Âm nhạc dân tộc đã nâng lên một tầm cao mới – là điều chính khán giả tự cảm nhận!
Bất ngờ hơn, chuyện “én nhạn hiệp đôi” còn được khơi lại đầy mỹ cảm trên… sàn diễn thời trang. Tại Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra ở Hà Nội hồi cuối tháng 11 vừa qua, nhà thiết kế Thủy Nguyễn trình diễn bộ sưu tập áo dài cưới mang tên “Én nhạn hiệp đôi”! “Bộ sưu tập tựa như một vở cải lương, có nhịp có điệu, xúc cảm, thể hiện được chiều sâu văn hóa. Các thiết kế còn thể hiện sự giao thoa giữa vẻ đẹp truyền thống và những sáng tạo mới mẻ, tôn vinh tà áo dài, đồng thời khơi gợi niềm tự hào về di sản văn hóa dân tộc”, nhà thiết kế Thủy Nguyễn chia sẻ. Được biết, các thiết kế được lấy cảm hứng từ hình ảnh cô gái trong DCHL – tác phẩm bất hủ của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
“Chất liệu cải lương” đã thấm tới mọi thời đại, lan rộng mọi lĩnh vực. Vì rằng, điều gì thuộc về văn hóa dân tộc thì luôn lay động tâm hồn con người ta, bằng cách này, cách khác! Sau ngày “én nhạn hiệp đôi”, đứa con tinh thần DCHL ấy vẫn còn viết tiếp những câu chuyện cho hậu thế.
QUỲNH ANH
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/van-hoa-nghe-thuat/sau-ngay-en-nhan-hiep-doi-98768.html