“Ai cũng có thể thành một nhà xuất bản bằng cách sử dụng trang cá nhân của mình. Bằng cách đó, thơ được viết từ rung cảm của tâm hồn cũng có thể đi thẳng ra thế giới, nếu có giá trị sẽ tồn tại và được thế giới biết đến”, tôi ấn tượng với cách nghĩ về thơ và những người làm thơ của Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – nhà thơ Trần Đăng Khoa.
Đây là một trong rất nhiều câu nói ấn tượng của “thần đồng thơ” này khi có lần, ông đến với Bạc Liêu và bằng những “tuyên ngôn” như thế đã gieo thêm động lực, tình yêu thơ cho những tâm hồn yêu thơ.
Những vần thơ… bất chợt
Không thống kê được ở Bạc Liêu có bao nhiêu nhà thơ, tác giả thơ (gọi cách nào thì cuối cùng, điểm chung chính là những tâm hồn luôn lai láng tình yêu với thơ), nhưng có thể nói, những vần thơ Bạc Liêu, dù “xuất hiện” ở đâu cũng đều gợi cho người tiếp cận ít nhiều những cảm xúc!
Thơ Bạc Liêu được in thành nhiều tuyển tập, dưới sự hỗ trợ của Liên hiệp các Hội VH-NT Bạc Liêu, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, hay có khi cũng do chính các tác giả tự đầu tư, in ấn hoặc hợp tác với những bạn thơ trên mọi miền đất nước để cho ra đời những tuyển tập thơ. Những tác giả thơ ở Bạc Liêu có thể kể đến như: Huỳnh Ngọc Yến, Nguyễn Tú Nhã, Thạch Đờ Ni, Phan Duy, Mỹ Huyền, Nguyễn Vũ, Minh Toàn, Đào Quốc Nam…
Tạp chí Văn hóa – Văn nghệ Bạc Liêu cũng là mảnh đất màu mỡ để thơ trải dài những trang viết chứa chan cảm xúc về quê hương, đất nước, con người, tình yêu… Và thơ Bạc Liêu còn xuất hiện… bất chợt, ngẫu hứng nhưng lai láng cảm xúc trên những trang cá nhân của những người yêu thơ nữa. Chỉ có 2 dòng thôi mà tác giả Ngọc Yến đã đánh trúng tim đen của nhiều người: “Tình yêu không có đúng sai/ Chỉ lơ ngơ vướng, tự đày đọa tim!”, chị đặt tựa là “Lơ ngơ” – thì đúng là lơ ngơ thật! Nhưng để viết được hai câu ngắn gọn mà “đúng quá đúng” này thì chỉ có những người làm thơ tình như chị mới kham được. Không chỉ ngọt ngào, dạt dào cảm xúc trong những vần thơ tình, trang Facebook cá nhân của Ngọc Yến còn có những bài đọc nghe rưng rức nỗi nhớ thương: “Không còn Mẹ, hoa ngược mùa thôi nở/ Xuân thắm tươi, con vẫn héo hon lòng/ Vẫn bánh mứt, vẫn chung trà, chén rượu/ Xuân không ghé nhà, xuân đi ngang qua…” (bài thơ “Xuân không về nữa”).
Cô Tú Nhã là một giáo viên đã về hưu, nhiều khi sức khỏe không ổn định nhưng những vần thơ của cô luôn dạt dào tình cảm khi xuất hiện trên trang cá nhân: “Em đợi anh về cùng khơi lửa ấm/ Trời vào Đông se sắt lá thay mùa/ Cho nỗi nhớ đừng nở hoa cổ tích/ Để tháng ngày hiện hữu thuở xanh xưa” (bài thơ “Đợi”).
Đúng như nhận định của nhà thơ Trần Đăng Khoa, không ít những vần thơ bất chợt được “xuất bản” bởi trang cá nhân của những người yêu thơ đã gom góp thành một bức tranh thơ ở Bạc Liêu đa sắc màu, đủ cung bậc.
Ngày Thơ Việt Nam năm 2024 “Bản hòa âm đất nước” do Liên hiệp các Hội VH-NT Bạc Liêu tổ chức. Ảnh: H.T
Người “ngoại đạo” làm thơ
“Trong điều kiện công nghệ phát triển như hiện nay, văn hóa đọc nói chung, hoạt động thơ ca nói riêng đã có nhiều thay đổi. Nhưng tôi tin còn rất nhiều bạn trẻ yêu thơ, đến với thơ, bởi đó luôn là nguồn sống tốt đẹp trong mỗi chúng ta”. Chính vì xem thơ là nguồn sống tốt đẹp mà Thượng tá Đào Quốc Nam (Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an tỉnh) đã tìm đến với thơ và có hẳn một tập thơ cho mình – “Yêu thương trên lối ta về” chào sân nhân Ngày Thơ Việt Nam năm 2024. Bận rộn với công việc chuyên môn nhưng thỉnh thoảng anh vẫn tiếp tục đeo đuổi tình yêu thứ hai ấy và có nhiều bài thơ được đăng trên các báo, tạp chí: “Em có về Bạc Liêu/ Miền quê anh nắng gió/ Lúa đang thì ngậm sữa/ Đồng xa nghiêng cánh cò/ Em có về Bạc Liêu/ Thắm tình anh muối mặn/ Biển phù sa phẳng lặng/ Thuyền mênh mang bóng chiều/ Em có về Bạc Liêu, nghe bài ca Dạ cổ/ cung đàn ngân nỗi nhớ/ Nguyện trăm năm vẹn chờ”… – bài thơ “Về quê anh nắng gió” là một trong những sáng tác ấy.
Những nhà báo làm thơ ở Bạc Liêu cũng không ít, trong đó phải kể đến một trong những “cây đa cây đề” của làng báo tỉnh là nhà báo Nguyễn Duy Hoàng – nguyên Tổng Biên tập Báo Bạc Liêu, hiện là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh. Trong vốn liếng thơ của anh, ấn tượng là bài “Dưới trăng”. Xin được trích dẫn toàn bài như một sự “thiên vị” đối với một người anh tiền bối, nhưng tôi nghĩ độc giả cũng muốn đọc trọn vẹn bài thơ này: “Mây và em… Sao quá giống nhau/ Cũng bồng bềnh, cũng làm anh nghiêng ngả/ Gió đùa vai em/ Gió luồn qua tóc/ Có bao giờ em ghen với thiên nhiên?/ Anh – một gã điên/ Ghen với gió với trăng và cả nơi em đứng/ Gió mơn trớn, còn trăng thì sáng quá!/ Chú cuội trên kia cũng len lén nhìn/ Em bước đi/ Huyền thoại bồng bềnh/ Sao nhấp nháy/ Còn anh thì ngơ ngác/ Không gian mờ xa/ Chú cuội ngồi gốc cây đa/ Còn anh ngồi giữa bao la… tiếc thầm!”.
Nhà báo Duy Hoàng chia sẻ rằng: “Làm báo và làm thơ cũng là nghề cầm viết, làm báo thì viết cho công chúng, làm thơ là viết cho trái tim”. Có lần, tình cờ đọc được bài thơ “Đất nước hình chữ S” của anh, chị đồng nghiệp ở tận Báo Bắc Giang đã liên hệ về Bạc Liêu để đăng bài này trên báo Bắc Giang. Và những vần thơ ấy đã trải dài và rộng trên khắp đất nước này như cấu tứ trong từng câu từng chữ mà anh đã gửi gắm khi viết: “Chữ S dịu dàng khi tôi viết thành thơ/ Nghe lồng ngực đập bằng trái tim Đất nước… Chữ S viết thành sông/ Hồng Hà quặn thắt/ Bốn ngàn năm nuôi con Lạc cháu Hồng… Chữ S viết thành sương/ Sương giăng đầu núi/ Mẹ già mỏi mắt chờ trông… Chữ S viết thành sinh/ Là hồi sinh hoa nở/ Tóc em bay làm mát cả trời chiều… Chữ S viết thành sa/ Là phù sa châu thổ/ Nước mặn Cà Mau thắm má em hồng…”.
Cứ lai láng hồn thơ như thế, những người yêu thơ, thích đọc thơ, tập làm thơ và xem thơ như nguồn sống, như hơi thở đã tạo nên một trường phái thơ Bạc Liêu âm thầm, bền bỉ chảy giữa sự phát triển không ngừng của đất nước, quê hương.
Cẩm Thúy
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/van-hoa-nghe-thuat/nhung-hon-tho-lai-lang-99212.html