Những nghệ nhân, tài tử Bạc Liêu đang cùng tranh tài tại sân chơi “đến hẹn lại lên” – Liên hoan Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ tỉnh Bạc Liêu năm 2024, đang diễn ra tại Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Đã 11 năm loại hình nghệ thuật này được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (3/12/2013 – 3/12/2024). ĐCTT bây giờ đang sống thế nào trong thời đương đại, là câu chuyện cần được quan tâm khi đó là di sản!
Hiểu mới yêu
Một người nếu không sành về các loại hình nghệ thuật âm nhạc nói chung, thì khi nghe một nghệ sĩ, diễn viên thể hiện một bài bản nào đó trên sân khấu, hay thưởng thức trên bàn tiệc…, dễ gì phân biệt được đâu là các điệu lý, đâu là “6 câu vọng cổ” và càng không phân biệt được các bài bản của nghệ thuật ĐCTT.
Đó là thực tế! Dù ĐCTT đã là di sản văn hóa tầm thế giới, nhiều người Bạc Liêu hiện thời ở nơi được mệnh danh là một trong những cái nôi quan trọng của nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ, cũng không phân biệt được các bài bản này. Trong những bữa tiệc tinh thần, giao lưu ca hát với nhau, người ta cứ thích bài nào, bản nào (gọi là bản tủ) thì ca, vậy thôi!
Cái độc đáo của ĐCTT là chuyển tải nội tâm con người. Và khi sáng tác, người ta lựa đúng bài bản để sáng tác cho phù hợp với ngữ cảnh. Chẳng hạn như điệu Nam Xuân thể hiện giọng tình cảm, ngọt ngào; còn khi chuyện tình dang dở, đôi lứa xa cách thì người ta dùng đến các bài bản Oán như cách để giãi bày tâm can; mang không khí hào hùng, trang nghiêm người ta chọn 7 bài Lớn (Long đăng, Long ngâm, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Vạn giá, Tiểu khúc, Xàng xê)… Khi đã thường xuyên cùng “gầy sòng” ca đờn với nhau thì chỉ cần nghe tiếng đờn “rao” là có thể biết dàn nhạc muốn mời ai ca và ca bài nào, lớp nào.
Đúng là chỉ khi hiểu mới thật sự thấm và yêu ĐCTT. Là vì từng bài bản có sức chuyển tải những cung bậc cảm xúc của người chơi nên khiến người ta khó thờ ơ được với lời ca, tiếng đờn, khó mà quên được những làn điệu chứa chan cảm xúc.
Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long). Ảnh: H.T
Chỉ yêu thôi chưa đủ
Nhìn lại bản chất của ĐCTT, ta thấy ngay từ khi hình thành đã là tiếng nói tâm hồn của người dân Nam Bộ. Đó là tiếng nói của tình mẫu tử, tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương, đất nước, sự ngợi ca công đức sinh thành, ngợi ca các bậc hiền tài đã góp công cho dân, cho nước… Ngồi ở bụi tre, bờ ruộng, hay chòng chành trên chiếc xuồng trôi trên sông nước, người chơi hòa mình vào thiên nhiên rồi cất lên những tiếng vui, buồn, giận hờn, ai oán.
Người chơi ĐCTT đa số không học từ sách vở, sân khấu mà tích góp từ quá trình lao động và những buổi giao lưu, sinh hoạt cộng đồng như thế. Thế mà lại ngấm dần và yêu, và giữ gìn tài tử bằng một tình cảm trong ngần. Nhưng phía sau tình yêu ấy, nhìn thẳng vào hiện tại, còn lắm chuyện để… lo!
Di sản này đang ở đâu trong đời sống tinh thần của người dân Nam Bộ nói chung, người Bạc Liêu nói riêng? Theo thống kê của ngành Văn hóa, Bạc Liêu hiện có trên 150 câu lạc bộ ĐCTT với gần 2.000 thành viên. Nhìn vào con số này (nếu là con số thực chất) thì phong trào xem ra còn duy trì khá ổn định! Rầm rộ là thế nhưng nhìn sâu vào hoạt động của các CLB này thì còn không ít chuyện băn khoăn!
Mai này, khi tre già thì có măng để thay thế không, khi đội ngũ tài tử trẻ quá hiếm, nghệ nhân đờn thì càng hiếm? Nhiều câu lạc bộ được hỗ trợ trang thiết bị để hoạt động, nhưng sự hỗ trợ chưa thấm vào đâu trong khi xã hội hóa phong trào thì cũng chưa đủ mạnh. Không gian nào để ĐCTT thật sự khoe sắc, rồi sự vắng bóng người xem ở mỗi kỳ liên hoan, hội diễn ĐCTT – chỉ những nghệ nhân, tài tử tranh tài, giao lưu và phía dưới hàng ghế khán giả chỉ gồm Ban giám khảo và thưa thớt khán giả – thì coi như liên hoan, hội diễn đó chưa thành công như nhận định! Ngược lại, những không gian ĐCTT được bày ra ở các sân khấu nhỏ (tại hội xuân, “Chợ quê ngày Tết” hằng năm của TP. Bạc Liêu chẳng hạn…), hay ở không gian đường phố… thế mà đón nhận không ít khán giả đến thưởng thức, giao lưu. Điều đó cũng đặt ra một ý tưởng khác cho các Ban tổ chức Liên hoan chăng?! Có nên cân nhắc việc chọn nơi chốn tổ chức liên hoan, hội diễn ĐCTT sao cho đó thật sự là sân chơi có người thưởng thức, tìm hiểu, hiểu để yêu, để chung tay kế thừa, bảo tồn, phát triển. Kể cả việc tổ chức liên hoan ĐCTT ở sân khấu mở như Quảng trường Hùng Vương bên cây đờn kìm cách điệu “khổng lồ” cũng là một gợi ý!
ĐCTT thời hiện tại cứ đan xen giữa tình yêu và nhiều mối băn khoăn như thế.
CẨM THÚY
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/van-hoa-nghe-thuat/nhin-lai-nghe-thuat-don-ca-tai-tu-trong-thoi-duong-dai-98199.html