Là vùng đất giàu truyền thống lịch sử cùng bản sắc văn hóa đa dạng, Bạc Liêu cũng là nơi sản sinh, hội tụ của nhiều loại hình di sản văn hóa (DSVH) mang giá trị độc đáo. Dù trải qua biết bao thăng trầm, song các DSVH vẫn giữ được vẻ lấp lánh trong lòng người Bạc Liêu, hấp dẫn trong mắt bạn bè phương xa, góp phần cùng với cả nước làm phong phú, rực rỡ vườn hoa văn hóa dân tộc.
Du khách thưởng thức biểu diễn đờn ca tài tử tại Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
MANG DSVH ĐẾN VỚI CỘNG ĐỒNG
Nhắc đến Bạc Liêu, một trong những điều đầu tiên hiện lên trong suy nghĩ của du khách là đờn ca tài tử (ĐCTT), dẫu loại hình nghệ thuật này có mặt ở nhiều tỉnh, thành của Nam Bộ. Cứ mỗi lần về thăm quê hương của bản Dạ cổ, khách du lịch lại muốn nghe hát tài tử, muốn được đắm mình trong không gian của tiếng đờn, lời ca để cảm nhận rõ hơn về sức hấp dẫn của văn hóa Bạc Liêu.
Nhiều câu lạc bộ, đội ĐCTT được thành lập, phục vụ biểu diễn tại các điểm du lịch để tự hào giới thiệu đến bạn bè về một loại hình nghệ thuật truyền thống đã được UNESCO vinh danh là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngoài ra, di sản ĐCTT cũng được số hóa cùng với di tích quốc gia Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu để mang đến trải nghiệm mới lạ về đi du lịch qua công nghệ thực tế ảo.
Để ĐCTT giữ sức sống bền bỉ theo thời gian, UBND tỉnh còn ban hành Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị DSVH này thông qua những việc làm thiết thực như: hỗ trợ trang thiết bị âm thanh để duy trì chất lượng sinh hoạt, giao lưu ĐCTT ở cơ sở; từng bước đưa ĐCTT vào trường học; hằng năm mở lớp dạy 20 bản Tổ nghệ thuật ĐCTT cho công chức Văn hóa, giáo viên dạy môn Âm nhạc, thành viên các câu lạc bộ trong tỉnh…
Ngoài di sản ĐCTT, Bạc Liêu cũng có nghề làm muối đã trở thành DSVH phi vật thể quốc gia. Thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến du lịch, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện nhiều đợt quảng bá các sản phẩm muối thành phẩm, ảnh nghệ thuật về nghề muối, trưng bày dụng cụ làm muối để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước.
Trưng bày sản phẩm, công cụ nghề làm muối tại lễ hội Nghinh Ông huyện Đông Hải. Ảnh: H.T
BẢO VỆ KHẨN CẤP DSVH
Như một vườn hoa nhỏ nhưng rực rỡ sắc màu, bên cạnh 2 DSVH phi vật thể được công nhận là Nghệ thuật ĐCTT và Nghề làm muối truyền thống, Bạc Liêu còn có 60 DSVH vật thể gồm: 55 di tích (trong đó có 2 tích quốc gia đặc biệt), 5 bảo vật quốc gia.
Xem trọng việc gìn giữ vốn quý mà cha ông đã để lại, song song với việc bảo tồn và phát huy những DSVH đã được vinh danh thì công tác kiểm kê, nhận diện các loại hình văn hóa có dấu hiệu DSVH được tỉnh thực hiện thường xuyên. Chỉ tính trong 3 năm (từ 2022 – 2024), Ban Kiểm kê DSVH phi vật thể của tỉnh đã tiến hành thu thập thông tin về 600 loại hình văn hóa trong đời sống. Đó là các loại hình lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề truyền thống, chữ viết… của các dân tộc Kinh – Khmer – Hoa.
Từ kết quả kiểm kê, Ban Kiểm kê DSVH phi vật thể của tỉnh đã thu thập khá đầy đủ hình ảnh, thông tin về nguồn gốc, xác định rõ loại hình, địa điểm tồn tại, chủ thể tham gia thực hiện loại hình văn hóa. Qua đó, đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét lập hồ sơ khoa học đối với các lễ hội Nghinh Ông, Oóc-om-bóc, phong tục cúng Thanh minh, múa Rôm-vông để đề nghị Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia.
Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh giao Sở VH-TT&DL phối hợp với các sở, ngành và địa phương tăng cường các hình thức phổ biến, truyền dạy, thực hành đưa DSVH đến với đông đảo công chúng nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị DSVH. Đặc biệt, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp để bảo vệ khẩn cấp đối với những loại hình văn hóa có nguy cơ mai một cao; quan tâm hơn nữa việc tư liệu hóa để phục vụ công tác lưu trữ thông tin, nghiên cứu, giáo dục và gắn với việc khai thác các sản phẩm phát triển du lịch cho tỉnh nhà.
HỮU THỌ
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/van-hoa-nghe-thuat/net-dep-di-san-van-hoa-dat-bac-lieu-97995.html