Buổi sáng trời hửng nắng, sắc xanh trong khiến từng khung ảnh của các em học sinh Trường tiểu học – THCS – THPT Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) lung linh hơn. Các em đang trong chuyến đi thực tế tham quan một số điểm du lịch ở Bạc Liêu, và Nhà hát Ba nón lá (Nhà hát Cao Văn Lầu) là điểm không thể bỏ qua.
Từ lan tỏa bản sắc văn hóa…
Không lấy làm lạ với hình ảnh những đoàn du khách dừng chân ở khu vực Quảng trường Hùng Vương để check-in khi đến với xứ sở bản “Dạ cổ hoài lang”. Thường chọn buổi sáng sớm, nắng đẹp, những chuyến xe của các hãng du lịch lữ hành như Saigontourist, Viettravel… sẽ “thả” khách xuống tham quan nơi này. Khách chụp ảnh với nhiều biểu tượng trên Quảng trường, nhất là cây đờn kìm cách điệu. Chụp góc rộng toàn cảnh sang Nhà hát Ba nón lá xong thì nhất định phải tản bộ qua đó để lấy cho bằng được góc ảnh cận hơn để thấy tên “Nhà hát Cao Văn Lầu” – đủ “chứng cứ” rằng mình đã đặt chân đến vùng đất Bạc Liêu hôm nay với bao nhiêu điều khác biệt, khó lẫn với ai trong bức tranh toàn cảnh khá nhiều nét chung của Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)!
Nhắc đến hai từ “Bạc Liêu” lại nhớ mới đây, trong cuộc chuyện trò thăm hỏi nhau, một chị bạn (xin không nêu tên) trước là cán bộ Hội LHPN ở Bạc Liêu nay công tác ngoài tỉnh, đã kể tôi nghe, chị đi đâu khi giới thiệu mình là người Bạc Liêu thì người ta giờ không chỉ đề cập đến thương hiệu Công tử Bạc Liêu nữa, mà còn nhắc nhiều trong sự mến mộ về những biểu tượng văn hóa của tỉnh như cây đờn kìm khổng lồ và Nhà hát Ba nón lá – 2 công trình đạt kỷ lục Việt Nam ở Bạc Liêu.
Trụ giữa không gian mênh mông của Quảng trường Hùng Vương, cây đờn kìm như lan tỏa tinh hoa văn hóa của nơi từng và giờ vẫn được mệnh danh là một trong những “chiếc nôi” quan trọng của nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận vào cuối năm 2013. Là tài sản chung của 21 tỉnh, thành Nam Bộ, thế nhưng chỉ riêng Bạc Liêu mới có một biểu tượng tôn vinh nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ! Đó là thể hiện trách nhiệm của người Bạc Liêu đối với việc làm lan tỏa rộng hơn, sâu hơn tầm giá trị của loại hình âm nhạc đã được thế giới công nhận là di sản.
“Nhà hát cách điệu ba nón lá mang đậm chất Nam Bộ, nơi đây Bạc Liêu có thể sử dụng để tổ chức nhiều sự kiện văn hóa của tỉnh, chứ không phải chỉ để chơi ĐCTT hay hát cải lương. Sau này, nơi đây có thể trở thành địa điểm du lịch của tỉnh. Tất cả các công trình từ cây đờn kìm cách điệu đến Nhà hát cách điệu ba nón lá, đã tạo cho Bạc Liêu một nét đẹp rất riêng, rất đặc trưng của vùng đất Nam Bộ chất chứa tình đất, tình người”. Đó là lời để lại của một nhân vật đặc biệt – cố GS-TS Trần Văn Khê, người luôn tâm huyết với âm nhạc dân tộc và văn hóa dân tộc nói chung.
Và thực tế là từ Quảng trường Hùng Vương cho đến Nhà hát Ba nón lá, giờ đây đều trở thành những điểm du lịch tiêu biểu của vùng ĐBSCL!
Học sinh Trường tiểu học – THCS – THPT Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) “check-in” tại Nhà hát Ba nón lá trong chuyến tham quan Bạc Liêu. Ảnh: C.T
…Đến bảo tàng tôn vinh di sản
Tôi từng dẫn nhiều đoàn khách là các đồng nghiệp khắp mọi miền đất nước đến tham quan các điểm du lịch của Bạc Liêu. Dù không phải ai cũng am tường về ĐCTT Nam Bộ, thế nhưng “bảo tàng” lưu giữ những giá trị đặc biệt của loại hình âm nhạc này – Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu – luôn được chọn là điểm đến để tìm hiểu, tham quan.
Những tư liệu, hiện vật, từng chuyện kể, nhất là câu chuyện “tam niên vô tự bất thành thê”, một trong nhiều nguyên nhân khiến nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác nên bài ca bất hủ “Dạ cổ hoài lang”, luôn có sức hút du khách thập phương! Ở “bảo tàng” này, người ta tỏ tường hơn rằng, từ câu chuyện tình riêng của đôi vợ chồng, đặt trong bối cảnh đất nước chiến tranh gây cảnh chia lìa của bao đôi vợ chồng khác nữa, đã cấu thành ý tứ, nhịp phách để bản “Dạ cổ hoài lang” ra đời và sống mãi với thời gian. Đâu chỉ sống, mà còn phát triển thành các nhịp khác nhau để trở thành vọng cổ – bài ca vua trên sân khấu cải lương, nhờ tài năng và trái tim bao thế hệ tiền nhân trên đất Bạc Liêu này. Có một bảo tàng lưu giữ những giá trị độc đáo như vậy thì Bạc Liêu đã có thêm điểm cộng trên hành trình ngao du những tỉnh, thành Nam Bộ.
Bảo tàng vô giá ấy của Bạc Liêu, cách đây chỉ hơn 10 năm trước, chỉ là một khu mộ của gia đình cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu! Người ta muốn đến cũng e ngại vì cỏ mọc giăng lối đi vào. Giờ đây, cũng nơi ấy, cánh cửa Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu liên tục mở ra đón những đoàn khách. Khu mộ của vợ chồng cố nhạc sĩ cũng ấm hơn với nén nhang thơm thảo và những thanh âm quen thuộc “hò, xự, xang, xê, cống” hằng ngày vẫn vang lên trầm ấm ở nơi này. Lời thuyết minh của nhân viên khu, những điệu thức ĐCTT được phát lên trong lúc dẫn truyện hay những bài bản vắn, dài mà anh em trong Câu lạc bộ Âm vang dạ cổ phục vụ người nghe… là minh họa sống động nhất về sức sống diệu kỳ của một dòng nhạc dân tộc.
Trong câu chuyện tôi và chị bạn nọ hàn huyên, chị còn kể với tôi một kỷ niệm: hồi ấy (tức cuối tháng 4/2014, khi GS-TS. Trần Văn Khê về Bạc Liêu tham dự Festival ĐCTT quốc gia lần đầu tiên do Bạc Liêu đăng cai tổ chức), chị vinh dự được tỉnh phân công tiếp đón vị giáo sư khả kính này. Chi tiết đắt giá là khi chia tay chị để trở về TP. Hồ Chí Minh, ông đã dặn chị gửi lời cảm ơn sâu sắc đến lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu vì đã có những công trình, những hoạt động tích cực góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, đặc biệt là nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ.
Lời cảm ơn đó của một nhà nghiên cứu sâu về âm nhạc dân tộc Việt Nam, người có nhiều cống hiến cho âm nhạc dân tộc, theo tôi, chính là những gửi gắm lại cho hậu thế, rằng đó là những công trình văn hóa làm nên điều khác biệt, dấu ấn đậm chất văn hóa cho đất và người Bạc Liêu muôn đời sau.
Cẩm Thúy
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/van-hoa-nghe-thuat/net-bac-lieu-tu-nhung-dieu-khac-biet-97770.html