Trong 17 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gần đây nhất, có Phở Hà Nội, Phở Nam Định, Mì Quảng, Nghề ướp trà sen Quảng An (Hà Nội), Tri thức may, mặc áo dài Huế, Nghề làm nhang ở Tây Ninh…
Những di sản trên được đánh giá là hội tụ đầy đủ các tiêu chí của di sản phi vật thể quốc gia với tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
Đâu đâu cũng thấy… di sản
Đáp ứng đủ các tiêu chí Bộ VH-TT&DL đặt ra, dĩ nhiên, sẽ được xem xét để công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thế nhưng, cũng không ít ý kiến cho rằng, phải chăng đang có sự “lạm phát” về di sản văn hóa quốc gia?
Làm phong phú thêm danh mục di sản văn hóa của quốc gia (bao gồm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể) là điều cần thiết. Tuy nhiên, khi những những món ăn như các loại phở, mì được “gắn thẻ” địa phương trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, vậy phở, mì của các địa phương khác thì sao?
Từng vùng, miền đều có những món ăn đặc sản của riêng mình. Và dĩ nhiên theo dòng thời gian, những đặc sản ấy đều đáp ứng được các tiêu chí mà Bộ VH-TT&DL đưa ra như “tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài”. Vậy thì các món ăn nổi tiếng đặc sản của các địa phương như Bún bò Huế, Hủ tiếu Sài Gòn, Bún bò cay Bạc Liêu, Bún nước lèo Sóc Trăng… đều có thể “kéo nhau” nộp hồ sơ để được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia?
Chưa kể, nhiều món ăn đặc sản của đồng bào các dân tộc như Mắm bò-hóc của người Khmer, Thắng cố, Xôi ngũ sắc, Cơm lam… cũng thừa sức đáp ứng các tiêu chí để trở thành di sản như Mì Quảng hay Phở Nam Định. Nếu kể dài hơn nữa có thể liệt kê một danh sách lê thê như Mè xửng Huế, Kẹo dừa Bến Tre, Cốm Hà Nội, Cà phê chồn, Nước mắm Phú Quốc… đều có thể trở thành di sản!
Biểu diễn tiết mục Nói thơ Bạc Liêu trong một chương trình nghệ thuật chào năm mới. Ảnh: H.L
Trăn trở một “di sản” Bạc Liêu
Người viết phải dùng dấu ngoặc kép khi viết chữ di sản ở đây, vì thực tế Nói thơ Bạc Liêu chưa được công nhận là di sản!
Cùng các cơ quan truyền thông trong tỉnh, Báo Bạc Liêu đề cập không ít lần, Nói thơ Bạc Liêu – một “báu vật” bị bỏ quên và đến giờ vẫn còn bí lối con đường đến danh hiệu di sản! Mà những người tâm huyết với nói thơ gần như đã khuất bóng, tâm nguyện của họ vẫn chưa tròn!
Nói thơ Bạc Liêu được nghệ nhân Thái Đắc Hàng chế tác vào năm 1946, tại ấp Bàu Tròn, xã Tân Hưng Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Bạc Liêu (cũ). Đó là giai đoạn vọng cổ bị cấm vì cho là ủy mị, không phù hợp với tinh thần chiến đấu của cách mạng… Bài nói thơ “Mười thương”, sau đó có thêm “Tấm áo chiến sĩ”, “Nam kỳ khởi nghĩa”, “Khuyên chồng ra mặt trận”, “Quê hương Bạc Liêu”, “Binh vận”… nhanh chóng trở thành phong trào văn nghệ lan khắp các tỉnh, thành phố Nam Bộ.
Nhạc sĩ Phan Nhân cũng mượn làn điệu nói thơ đưa vào ca khúc “Trên quê hương Minh Hải”. Ca khúc này cũng mở ra phong trào đưa làn điệu nói thơ Bạc Liêu vào các tác phẩm âm nhạc hiện đại, điển hình như các ca khúc “Bông điên điển”, “Trở lại Bạc Liêu”… Năm 1988, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và Lê Giang đã đưa điệu nói thơ Bạc Liêu lên phim “Phạm Công – Cúc Hoa”. Tháng 8/2005, tại liên hoan dân ca toàn quốc do Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) tổ chức, tiết mục nói thơ Bạc Liêu do tỉnh Cà Mau biểu diễn đoạt giải Nhì toàn quốc. Liên hoan Hát ru, hát dân ca và cổ truyền khu vực phía Nam năm 2014, Bạc Liêu cũng đoạt giải Đặc biệt nhờ sự đóng góp của bài nói thơ Bạc Liêu…
Từ năm 2002, trong đề tài nghiên cứu khoa học “Lịch sử hình thành, phát triển và giải pháp bảo tồn, phát huy 3 loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của người Bạc Liêu”, Thạc sĩ Lâm Thành Đắc (nay là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Bạc Liêu) đã cho rằng việc bảo tồn điệu Nói thơ Bạc Liêu là cấp thiết. Ngành Văn hóa cần tham mưu cho UBND tỉnh mạnh dạn đầu tư các hoạt động sáng tác, tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn; vận dụng hiệu quả điệu nói thơ vào thực tế cuộc sống, khai thác điệu nói thơ vào trong công tác tuyên truyền, cổ động… Nghệ sĩ Trần Khánh (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa – Nghệ thuật Bạc Liêu) cho rằng: “Nói đến Bạc Liêu, người ta nhớ đến bản “Dạ cổ hoài lang” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu và điệu nói thơ của ông Thái Đắc Hàng. Bản “Dạ cổ hoài lang” hiện đã phát triển ở cái tầm cao như chúng ta đều biết, nhưng Nói thơ Bạc Liêu gần như bị thất truyền! Với những giá trị vốn có, Nói thơ Bạc Liêu không chỉ cần được bảo tồn, mà phải được phát triển rộng rãi trong quần chúng nhân dân”.
Về vấn đề này, đại diện Sở VH-TT&DL cho biết: “Nói thơ Bạc Liêu đã được Sở đưa vào danh mục kiểm kê các di tích, di sản văn hóa của tỉnh. Tuy nhiên, hiện người thực hành về loại hình này quá ít, chưa đáp ứng tiêu chí của Bộ VH-TT&DL nên chưa làm hồ sơ trình Bộ” .
Thiết nghĩ, tính phương án bảo tồn giá trị, có một lớp người thực hành và trao truyền là những công việc trước mắt cần quan tâm thực hiện. Một loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa, từng là báu vật một thời mà bị mai một, mất đi thì chúng ta có tội với người đi trước.
Và nhất là, trong khi những món ăn cũng trở thành di sản!
Cẩm Thúy
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/van-hoa-nghe-thuat/khi-pho-mi-cung-tro-thanh-di-san-96767.html