Qua chuyến khảo sát các điểm du lịch nông thôn (DLNT) và hội thảo với nhiều đề xuất tâm huyết, các chuyên gia và doanh nghiệp lữ hành của TP. Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long đều nhận định Bạc Liêu có không ít tài nguyên độc đáo đang được lưu giữ ở những làng quê.
Giải pháp căn cơ là sự đầu tư đồng bộ, trong đó phải phát huy tốt vai trò chủ thể của nông dân, Nhà nước có trách nhiệm tạo “đòn bẩy” cùng sự vào cuộc của các doanh nghiệp để không chỉ đánh thức tiềm năng du lịch xanh của tỉnh mà còn hướng đến chuỗi giá trị mang tính bền vững.
TÀI NGUYÊN ĐA DẠNG
Việc mời hàng chục doanh nghiệp lữ hành về khảo sát và góp ý cho thấy, Bạc Liêu thật sự quyết tâm phát huy tiềm lực của nông thôn để bắt nhịp xu thế phát triển xanh. Đồng thời, tỉnh cũng muốn nhìn nhận đúng những hạn chế, bất cập đang tạo rào cản để tìm lời giải cho bài toán khai thác DLNT gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trong tua trải nghiệm các điểm DLNT của Bạc Liêu, đoàn đã đến Khu sinh thái Kim Cương (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) mang khung cảnh đồng quê thơ mộng, yên bình với những hàng dừa, vườn chim thiên nhiên, chiếc xuồng nhỏ, ao cá… gợi những hình ảnh thân thương về làng quê miền Tây. Khu sinh thái này thu hút nhiều du khách thành thị vào dịp cuối tuần để tận hưởng không gian xanh, thưởng thức những đặc sản mang hương vị đồng quê.
Ngoài những vườn cây ăn trái của nông dân, đoàn còn đến khảo sát cách làm du lịch xanh ở Khu du lịch Điện gió Hòa Bình 1 (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình). Nhiều hoạt động, dịch vụ như: cho du khách ngồi xe điện chiêm ngưỡng “cánh đồng” điện gió trên biển, tham gia trồng rừng phòng hộ, hạn chế sử dụng các vật dụng nhựa… được đoàn đánh giá cao vì góp phần giảm phát thải ra môi trường, giáo dục ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường cho du khách.
Hội đủ các tài nguyên về biển, rừng, không gian làng quê hay làng nghề truyền thống, song Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Ngô Vũ Thăng đánh giá việc phát triển DLNT của tỉnh còn nhiều khó khăn do quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ, cách làm còn mang tính rời rạc, nguồn lực đầu tư hạn chế, nên chưa tạo ra được giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Các doanh nghiệp lữ hành TP. Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long tham quan Điện gió Hòa Bình 1 và Khu sinh thái Kim Cương. Ảnh: H.T
“THỔI” CẢM XÚC VÀO SẢN PHẨM
Ở góc độ đơn vị tổ chức lữ hành, ông Tô Minh Thắng – Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Travel (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, bản chất của đi du lịch là mua cảm xúc vui vẻ, hạnh phúc nên bán tua cho 100 khách mới không bền vững bằng việc bán cho khách trở lại lần 2, lần 3. Chính vì vậy, cần có những hoạt động đặc trưng để du khách ấn tượng, cứ mỗi lần nhắc đến hoạt động đó thì nhớ ngay đến Bạc Liêu.
Cùng quan điểm trên, anh Mai Quang Thuận – Trưởng phòng kinh doanh Công ty Đất Chín Rồng Travel (TP. Cần Thơ) đề xuất, cần đưa nhiều hoạt động trải nghiệm vào các điểm DLNT bởi du khách sẵn sàng bỏ thêm chi phí, thời gian lưu trú để hòa mình vào không gian văn hóa nông thôn. Chẳng hạn, cho du khách mặc áo bà chèo xuồng đi thăm lú đặt cá hoặc tự chuẩn bị mâm cơm gia đình… để tăng cảm xúc cho chuyến đi, khi đó họ sẽ giúp lôi kéo thêm du khách mới về cho tỉnh.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, Bạc Liêu cần có quy hoạch để giúp DLNT “cất cánh”. Bởi, quy hoạch sẽ giải quyết được vấn đề đầu tư hạ tầng giao thông, hoạch định rõ không gian phát triển DLNT gắn với từng sản phẩm thế mạnh, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu. Đồng thời, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các gói vay ưu đãi, nâng cao khả năng sử dụng công nghệ trong tiếp thị điểm đến, tổ chức các dịch vụ mang lại nhiều tiện ích cho du khách.
Đặc biệt, phát huy vai trò quản lý nhà nước của các ngành, địa phương để phát triển DLNT trên nguyên tắc bền vững. Song song với mục đích nâng cao chuỗi giá trị để giúp người dân phát triển sinh kế thì cũng cần chú trọng về giáo dục bảo vệ môi trường, những nét đẹp truyền thống của nông thôn.
HỮU THỌ
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/van-hoa-nghe-thuat/khai-thac-san-pham-du-lich-nong-thon-huong-den-chuoi-gia-tri-ben-vung-98456.html