Văn hóa truyền thống Khmer được hình thành lâu đời, trải qua quá trình sáng tạo và trao truyền tuy mang giá trị độc đáo nhưng cũng dễ thất truyền, bị làm biến dạng trong đời sống hiện đại. Chính vì vậy, giữ gìn sức sống mãnh liệt cho văn hóa Khmer thông qua công tác tuyên truyền, quảng bá là việc làm thường xuyên, lâu dài để thực hiện mục tiêu kép bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
ĐA DẠNG KÊNH TUYÊN TRUYỀN
Cùng với chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào Khmer, tỉnh còn quan tâm triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá nét đẹp văn hóa Khmer. Trong các chương trình xúc tiến du lịch ngoài tỉnh, Sở VH-TT&DL thường xuyên giới thiệu đến du khách về giá trị nghệ thuật kiến trúc, văn hóa – lịch sử của các chùa Khmer tiêu biểu của tỉnh; các sản phẩm OCOP do người Khmer làm chủ thể. Bên cạnh đó, mời các doanh nghiệp lữ hành trong nước về tỉnh khảo sát tiềm năng du lịch, góp ý xây dựng các sản phẩm đặc thù vùng đồng bào Khmer.
Ông Lê Hòa Hiệp – Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, chia sẻ: “Hằng năm, Sở VH-TT&DL đều thành lập các Tổ kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể nhằm kịp thời nhận diện, xác định loại hình, chủ thể, địa điểm, không gian văn hóa và các giá trị về lịch sử – văn hóa, khoa học của di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số (DTTS). Đồng thời, phối hợp với các cơ quan báo chí của tỉnh đăng tin tức, bài viết, phóng sự truyền hình về hoạt động này nhằm giúp đồng bào DTTS thấy được sự quan tâm, tiếp sức của tỉnh trong việc nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Riêng năm 2023 và 2024, Tổ kiểm kê di sản đã tiến hành thu thập tư liệu các loại hình văn hóa phi vật thể của đồng bào Khmer như: nghề thủ công, lễ hội, văn học dân gian, tiếng nói, chữ viết”.
Ban Dân tộc và Tôn giáo trong năm 2024 đã phối hợp với Báo Bạc Liêu tuyên truyền hơn 100 tin, bài, hình ảnh trên báo in chữ Việt, báo in chữ Khmer và báo điện tử. Nội dung tuyên truyền đã phản ánh khá đậm nét sắc màu các lễ hội truyền thống, nét văn hóa đặc trưng, kết quả xây dựng đời sống văn hóa, công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer trong tỉnh.
Các doanh nghiệp lữ hành TP. Hồ Chí Minh khảo sát, góp ý xây dựng sản phẩm du lịch tại chùa Xiêm Cán (TP. Bạc Liêu). Ảnh: H.T
PHÁT HUY GIÁ TRỊ “SỨC MẠNH MỀM”
Đời sống của đồng bào Khmer gắn liền với văn hóa truyền thống, đó không chỉ là tinh hoa của sự sáng tạo, mang khát vọng về những điều tốt đẹp mà còn là “sức mạnh mềm” để xây dựng, phát triển quê hương đẹp giàu. Từ ý nghĩa đó, công tác tuyên truyền, quảng bá cần được thực hiện song song với các chính sách dân tộc nhằm phát huy sức sống, tạo ra sự lan tỏa rộng khắp cho văn hóa Khmer. Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đề nghị ngành Văn hóa, các cơ quan truyền thông làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá để vừa tiếp sức, vừa cổ vũ đồng bào Khmer bảo tồn văn hóa dân tộc.
Mới đây, Bộ VH-TT&DL ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS. Kế hoạch này không những khẳng định sự đồng hành của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương mà còn đề cao vai trò, trách nhiệm của đồng bào DTTS – đối tượng thụ hưởng văn hóa truyền thống.
Nội dung trọng tâm của Kế hoạch là xây dựng các tuyến bài, sản phẩm tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS. Cụ thể, thông qua các kênh tuyên truyền trên báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình phản ánh sinh động công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; công tác khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống; việc khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS.
Làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá sẽ giúp đồng bào DTTS nói chung, đồng bào Khmer thấy rõ hơn các giá trị của văn hóa truyền thống để từ đó thêm tự hào, có trách nhiệm với sứ mệnh kế thừa. Đồng thời, tạo “sức mạnh mềm” cho đồng bào dân tộc tiếp tục giữ gìn, lan tỏa sức sống mãnh liệt của văn hóa Khmer.
HỮU THỌ
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/van-hoa-nghe-thuat/giu-suc-song-manh-liet-cho-van-hoa-khmer-97769.html