Hòa chung sinh khí rộn ràng của các lễ hội Oóc-om-bóc và Dâng y Kathina, tháng 11 cũng là thời điểm đồng bào Khmer ở các ấp trong tỉnh đón mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư (gọi tắt là ngày hội). Mọi người tay bắt mặt mừng, thăm hỏi nhau, tự hào nhìn lại thành quả của một năm chung sức, chung lòng và hòa mình vào các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian mang đậm sắc màu văn hóa Khmer.
ĐẶC SẮC PHẦN HỘI
Ấp Giồng Giữa B (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) được chọn làm khu dân cư điểm tổ chức ngày hội năm nay. Cũng vì thế, phần hội được người dân trong ấp háo hức đón chờ sẽ mang sắc màu đặc trưng của văn hóa Khmer. Trong bầu không khí hân hoan của ngày hội, tiếng trống, tiếng đàn, chập chõa rình rang mở màn cho điệu múa khỉ ngựa với hình tượng các nhân vật khỉ, cụ ông – cụ bà, chằn… biểu diễn những động tác dí dỏm làm náo động cả phum sóc. Dứt điệu múa truyền thống của đồng bào Khmer, người dân trong ấp tiếp tục được hò reo, cổ vũ cho người tham gia trò chơi dân gian đập heo đất.
Bà Lý Thị Xà Mây – một người dân ấp Giồng Giữa B, bày tỏ: “Phần hội ở ấp có đông đồng bào Khmer sinh sống luôn mang màu sắc đặc trưng, không thể lẫn với các địa bàn khác bởi những điệu múa, trò chơi dân gian mang đậm văn hóa Khmer. Trong đó, điệu nhảy khỉ ngựa đã trở thành một “gia vị” không thể thiếu vì không những tạo niềm vui mà còn có ý nghĩa xua tan chuyện chẳng lành, khó khăn và cầu chúc những điều tốt đẹp. Qua phần hội còn là dịp để tự hào về bản sắc văn hóa truyền thống, người lớn nhắc nhớ con em mình phải trân trọng, bảo tồn văn hóa dân tộc”.
Còn ngày hội của ấp Vĩnh Lộc (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) được tổ chức tại chùa Đìa Muồng. Thu hút đông đảo đồng bào Khmer tham gia, cổ vũ là cuộc thi đua vỏ lãi (thay cho đua ghe Ngo). Hay trong ngày hội của xã Lộc Ninh (huyện Hồng Dân), phần hội có nhiều hoạt động đặc sắc như: múa, thi nhảy bao bố, kéo co…
Lãnh đạo xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) khen thưởng các hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu” tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư ấp Giồng Giữa B. Ảnh: H.T
ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG PHUM SÓC
Với người Khmer, ngoài các dịp lễ hội diễn ra tại chùa thì ngày hội cũng là dịp để thắt chặt hơn tình nghĩa xóm giềng. Vì vậy, dù công việc bận rộn đến đâu thì nhiều người vẫn tạm gác lại để tham dự sự kiện quan trọng của khu dân cư. Bên cạnh những giây phút hỏi han, chia sẻ niềm vui trong cuộc sống, ngày hội còn là lúc để cư dân phát huy truyền thống đoàn kết, sát cánh với chính quyền trong thực hiện các phong trào thi đua sắp tới.
Điểm lại những kết quả đạt được, người dân ấp Giồng Giữa B vui mừng khi có 559/566 hộ được tái công nhận, công nhận mới danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Việc tổ chức các lễ hội Khmer được lồng ghép với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động xây dựng đô thị văn minh đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại. Bên cạnh đó, đồng bào Khmer còn nỗ lực gìn giữ các loại hình nghệ thuật độc đáo, xây dựng cảnh quan, môi trường sạch đẹp để phục vụ phát triển du lịch.
Là địa phương có đa số cư dân là đồng bào Khmer, ấp Vĩnh Lộc đã phát động các hộ tích cực thực hiện nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh; tiếp tục đoàn kết xây dựng khu dân cư tươi vui, an toàn; nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, giữ vững danh hiệu ấp văn hóa. Đặc biệt, mỗi người, mỗi nhà đoàn kết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc đi đôi với bài trừ triệt để các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Ngoài ra, duy trì các hoạt động thể thao truyền thống như: đua ghe Ngo, các trò chơi dân gian nhằm tạo điều kiện cho người dân vui chơi, giải trí, từng bước nâng cao mức hưởng thụ văn hóa.
Dù được tổ chức với quy mô khu dân cư, song ngày hội ở những địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống mang sắc màu độc đáo, góp phần thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc anh em, tiếp thêm động lực và khát vọng phát triển quê hương.
HỮU THỌ
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/van-hoa-nghe-thuat/giu-net-dep-van-hoa-khmer-trong-ngay-hoi-khu-dan-cu-97883.html