Có thể nói, xây dựng Đảng về đạo đức đã trở thành một nội dung rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với các lĩnh vực như: Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ. Như vậy, để xây dựng Đảng về đạo đức cần kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động “xây” và “chống”, giữa công tác giáo dục tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên với việc nhận diện, đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc, sai trái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Cán bộ, đảng viên Ngân hàng BIDV Bạc Liêu tặng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách. Ảnh: T.A
ĐẤU TRANH CHỐNG LẠI CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI
Sinh thời Bác Hồ kính yêu đã chỉ rõ: “… Thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là kẻ địch to; nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ”, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên luôn tỉnh táo kiểm điểm, đánh giá, nhìn nhận những suy nghĩ, hành vi để bỏ đi những cái cũ kỹ, lỗi thời, sai hỏng thì mới bắt kịp sự phát triển của xã hội.
Bên cạnh đó, từ thực tiễn phát triển đất nước cho thấy, những tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, của chính sách hội nhập kinh tế quốc tế; sự chống phá của các thế lực thù địch về mọi mặt làm xuất hiện nhận thức và hành vi cổ xúy các quan điểm, hành vi phi đạo đức cách mạng, tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, lối sống hưởng thụ, thực dụng, ích kỷ… Do đó, cần tập trung đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, ủng hộ, cổ xúy hành vi phản đạo đức, tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, lối sống hưởng thụ, thực dụng, ích kỷ trong cán bộ, đảng viên.
Mặt khác, trước những tác động tiêu cực do mặt trái của kinh tế thị trường, quá trình toàn cầu hóa, cùng những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ mạng xã hội dẫn đến nhiều trang thông tin lôi kéo, kích động thù hận, xuyên tạc, cố tình bóp méo sự thật; truyền bá các sản phẩm văn hóa ngoại lai, nhằm kích thích tâm lý, lối sống thực dụng, sa đọa… làm lệch chuẩn các giá trị văn hóa, đạo đức nhân ái, nhân văn trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, người dân; phát tán những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch, lối sống lai căng… Những hoạt động đó đã tác động tiêu cực tới tư tưởng, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân; gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ, làm suy giảm lòng tin vào đất nước, vào vai trò của Đảng. Do vậy, việc phát triển, giữ gìn văn hóa và đạo đức, lối sống của con người Việt Nam nói chung và đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chống các tiêu cực xã hội và tệ nạn xã hội, phải ra sức củng cố niềm tin cho Nhân dân vào các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, bảo vệ văn hóa dân tộc, tạo lập môi trường văn hóa lành mạnh trong xã hội…
PHẢI RÈN LUYỆN GIAN KHỔ
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của tư tưởng, đạo đức, lối sống trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc – đây là giải pháp quan trọng, tác động trực tiếp đến nhận thức, thái độ, lập trường, tư tưởng của mỗi cán bộ, đảng viên trong xây dựng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ”. Do đó, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nắm chắc, dự báo đúng, định hướng chính xác, xử lý đúng đắn, kịp thời các vấn đề tư tưởng trong Đảng, trong xã hội. Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống để mỗi cán bộ, đảng viên đề cao trách nhiệm, vững vàng trước những cám dỗ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, phải xác định rõ xây dựng và phát triển hệ chuẩn mực đạo đức cách mạng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của Đảng và cả hệ thống chính trị.
Một giải pháp quan trọng khác chính là mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt việc “tự soi, tự sửa”. Bởi một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ chủ yếu bắt nguồn từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Do đó, duy trì chặt chẽ, hiệu quả “tự soi, tự sửa” ở mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức cơ sở đảng là giải pháp hiệu quả xây dựng và phát triển đạo đức cách mạng. “Tự soi, tự sửa” là quá trình mỗi cán bộ, đảng viên tự kiểm điểm, để phát huy những mặt đạt được và điều chỉnh, khắc phục những khiếm khuyết. Đây là việc làm của mỗi cá nhân, là quá trình mỗi cán bộ, đảng viên tự đấu tranh với cái chủ nghĩa cá nhân vị kỷ.
Cùng với đó, xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật, tôn trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, “tương thân tương ái”. Đấu tranh loại trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, các hành vi tiêu cực, cơ hội, vi phạm pháp luật, truyền bá tư tưởng sai trái, lối sống thực dụng, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc, ảnh hưởng xấu đến xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay…
Song song đó, cần giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên thông qua tăng cường kiểm tra, giám sát đảng viên về phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật và tính tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, kịp thời phát huy ưu điểm, uốn nắn, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm luật dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch các chế độ, chính sách và phát huy vai trò giám sát của quần chúng đối với hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên. Bảo vệ, khuyến khích các tổ chức và cá nhân tích cực phát hiện, kiên quyết đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị. Kiên quyết xử lý nghiêm minh những người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nói, viết, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vi phạm kỷ luật của Ðảng, pháp luật của Nhà nước để răn đe, giáo dục đảng viên…
QUÁCH MINH LỐN
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/273/dau-tranh-phan-bac-nhung-bieu-hien-lech-lac-ve-dao-duc-loi-song-cua-mot-bo-phan-can-bo-dang-vien-gop-phan-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-97707.html