Thế nhưng, sự gắn kết, cộng đồng trách nhiệm giữa “cò lúa” và nông dân vẫn còn lỏng lẻo dẫn đến nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và lợi nhuận của nông dân.
“Cò lúa” làm giá
Theo lời ông Năm Nhỏ (xã Phong Tân, TX. Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu): “Lúc trước, tôi được báo giá nhận cọc 9.000 đồng/kg lúa, giờ mưa dông, lúa sập “cò” lúa kêu tôi bán với giá 7.000 – 7.200 đồng/kg. Lúa chín mà ngập chìm trong nước, nếu không cắt, sấy, bán nhanh thì lên mọng coi như mất trắng nên gia đình tôi cũng bóp bụng đồng ý”.
Những năm gần đây, với sự xuất hiện của lực lượng “cò” lúa phần nào giúp đỡ nông dân khi đến mùa thu hoạch. Nếu như trước đây, nông dân phải chạy đôn, chạy đáo tìm kiếm thương lái, thì hiện nay, nông dân chỉ cần gọi điện thoại cho “cò” là mọi việc được giải quyết suôn sẻ.
Tuy nhiên, đi đôi với sự tiện lợi, bán lúa thông qua “cò” kéo theo nhiều phiền toái cho nông dân. “Cò” lúa là lực lượng trung gian giữa người bán và người mua, thường “ăn” theo hoa hồng mà thương lái đưa ra, ngoài ra, còn làm giá với nông dân để ăn thêm chênh lệch.
Lợi nhuận thu được từ hạt lúa của nông dân cũng vì thế bị qua tay phân chia nhiều người. Nhiều người không khỏi bực tức khi bị cánh “cò” lúa viện đủ lý do, làm cho nông dân hoang mang, từ lúa ướt, lúa dơ, lúa chưa đủ ngày, cho đến giá lúa đang sụt giảm… với mục đích chính là để nông dân chấp thuận với mức giá họ đưa ra.
Nhiều diện tích lúa hè thu của nông dân TX. Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu bị ngã sập do ảnh hưởng mưa bão, dông lốc. Ảnh: C.L
Có một thực tế dẫn đến sự xuất hiện của “cò” lúa trong chuỗi sản xuất ngành hàng này mà ai cũng nhận thấy đó chính là sự lỏng lẻo, thiếu liên kết trong sản xuất và thói quen canh tác ruộng lúa manh mún, nhỏ lẻ không cùng thứ giống của nông dân.
Vì vậy, doanh nghiệp không thể đảm nhiệm được việc thu mua trực tiếp nên phải nhờ “cò”, từ đó lực lượng này ngày một đa dạng, với đủ loại hình như “cò” lúa, “cò” rơm, “cò” máy cắt, máy xới, có luôn cả “cò” mua bán lúa giống theo mùa…
Thương lái bắt ép
Vừa phải chịu cảnh “cò” lúa ép giá, nông dân còn bị tình trạng thương lái chèn ép. Cũng viện nhiều lý do, thương lái đưa ra các chiêu trò buộc nông dân phải giảm giá, với các hình thức, như: chia phí vận chuyển, lúa không đạt chất lượng.
Năm nào giá lúa tăng, thương lái cho ghe đậu sẵn tại bến, lúa người nào gặt xong là cân liền. Nhiều hộ đang thu hoạch cũng buộc phải cân vì thương lái hối thúc. Tuy nhiên, đến khi lúa giảm giá, hay gặp các điều kiện thời tiết bất lợi khiến lúa ngã đổ, ngập nước, đen vỏ, là thương lái tìm cách kéo dài thời gian, đưa ra rất nhiều lý do không đưa ghe tới thu mua.
Việc kéo dài thời gian, không chịu thu mua lúa khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Lúa để lâu không cắt dễ bị ẩm, mốc, nảy mầm… làm giảm chất lượng, khó bán. Ngoài ra, do nông dân thu hoạch lúa đồng loạt, nếu không bán sớm thì những nông dân cắt sau không có nơi để chất lúa.
Với những lý do trên, nông dân buộc phải bán cho thương lái với giá thấp hơn thỏa thuận ban đầu nhằm mau chóng kết thúc mùa vụ. Hoặc những đám ruộng dù được bỏ cọc thu mua lúa ngay từ đầu vụ, nhưng đến khi thu hoạch, giá cả thị trường có biến động là họ sẵn sàng bỏ cọc hoặc buộc nông dân vào thế kẹt rồi “bắt tay” với “cò” lúa ép giá.
Đây không chỉ là câu chuyện diễn ra vào vụ lúa hè thu, lúc nông dân gặp bất lợi mà ngay cả những vụ được cho là thuận lợi trong năm như đông xuân cũng bị tương tự. Đành rằng là làm ăn, buôn bán hiện nay hoàn toàn dựa vào cơ chế thị trường, nhưng việc chèn giá, ép giá đã khiến cho lợi nhuận của nông dân cũng theo đó bị kéo giảm.
Để nông dân không chịu thiệt
Bạc Liêu đang bước vào những ngày cuối trong kỳ thu hoạch trà lúa hè thu 2024 với tổng diện tích toàn tỉnh gần 58.000ha.
Đợt mưa lớn diện rộng kèm theo dông lốc đầu tháng 9 làm nhiều diện tích lúa đang trỗ chín, gần đến ngày thu hoạch chìm trong nước. Trên nhiều cánh đồng, lúa đổ ngã nằm sát mặt ruộng, cộng thêm thời tiết có mưa làm lúa nảy mầm, giảm chất lượng và năng suất.
Trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, điều kiện canh tác gặp nhiều khó khăn thì những chiêu trò của thương lái, “cò” lúa đã góp phần làm tăng chi phí sản xuất, đồng thời giảm lợi nhuận của nông dân. Để tránh tình trạng phải lụy “cò” và thương lái như hiện nay, ngành chức năng cần khuyến khích, tạo điều kiện để nông dân tham gia vào mô hình “Cánh đồng lớn”.
Bên cạnh đó, nông dân cũng cần phải giữ chữ tín trong khâu liên kết. Bởi thực tế có không ít trường hợp nông dân “bẻ kèo” bán tháo cho thương lái bên ngoài khi giá lúa tăng cao, dù trước đó đã ký kết hợp đồng liên kết bao tiêu với “cò” lúa, thương lái.
Để có được nhiều mối làm ăn lâu dài, hình thành chuỗi liên kết bền chặt, cộng đồng trách nhiệm nhằm hạn chế bớt rủi ro và những tác động từ cơ chế thị trường, nông dân cần tìm hiểu thị trường, liên kết sản xuất các giống lúa chất lượng cao với hợp đồng bao tiêu ngay từ đầu vụ với công ty, doanh nghiệp, giảm bớt các khâu trung gian trong sản xuất và tiêu thụ để từ đó giúp tăng năng suất, lợi nhuận.