Thực tiễn đã chứng minh, phát triển công nghiệp (PTCN) đóng vai trò rất quan trọng cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Song, việc thực hiện công tác này trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn và cần có ngay các giải pháp mang tính đồng bộ.
TĂNG CƯỜNG HỖ TRỢ
Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cho PTCN, nhất là tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN). Theo đó, hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư và đẩy mạnh công tác mời gọi, thu hút đầu tư. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho DN, nhà đầu tư duy trì và phát triển hoạt động sản xuất – kinh doanh (SX-KD) trong lĩnh vực công nghiệp. Không ngừng nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, minh bạch, nhất là tập trung thực hiện tốt công tác cải cách hành chính cho DN, nhà đầu tư yên tâm hoạt động SX-KD.
Cùng với đó là tổ chức thực hiện tốt chính sách tiền tệ, tín dụng ngân hàng theo định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế và lĩnh vực PTCN như: Chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ gắn với tăng cường đầu tư cho PTCN. Ngoài ra, còn tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ PTCN. Cụ thể năm qua, Sở Công thương đã thực hiện tốt công tác khuyến công thông qua Đề án khuyến công địa phương năm 2024. Từ Đề án này đã góp phần giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh có thêm động lực, mạnh dạn đầu tư, mua sắm dây chuyền, máy móc, thiết bị hiện đại để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập kinh tế và quảng bá thương hiệu… với tổng kinh phí hỗ trợ 450 triệu đồng. Mặt khác, tổ chức các lớp tập huấn khởi sự DN, nâng cao năng lực quản lý DN trong PTCN…
Ngoài ra, các ngành chuyên môn cũng đã triển khai mô hình đào tạo về khoa học – công nghệ, kỹ thuật và ngoại ngữ, tin học ngay từ chương trình giáo dục phổ thông, đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo kỹ thuật, công nghệ gắn với khuyến khích các DN tham gia đào tạo nhân lực công nghiệp chất lượng cao, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo với hoạt động SX-KD và nhu cầu của thị trường lao động công nghiệp. Triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển nhân lực công nghiệp, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thực hiện tốt chính sách thu hút nguồn nhân lực bên ngoài để phục vụ cho phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Sản phẩm nhựa gia dụng của doanh nghiệp Tý Liên (huyện Phước Long) được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: K.T
CẦN ƯU TIÊN NGUỒN LỰC CHO HẠ TẦNG
Nhờ thực hiện những giải pháp tích cực mà hoạt động sản xuất công nghiệp năm 2024 tiếp tục được duy trì, phát triển và tăng 4,96% so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp tuy có tăng, nhưng nhìn trên tổng thể, việc PTCN thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có của tỉnh. Bởi ngoài lĩnh vực chế biến tôm xuất khẩu, phát triển năng lượng sạch, thì các lĩnh vực khác về PTCN gần như không có gì! Cả tỉnh Bạc Liêu đến nay chỉ có duy nhất Khu công nghiệp Trà Kha với diện tích hơn 60ha, nhưng thực tế chỉ được “lấp đầy” trên giấy; còn các khu, cụm công nghiệp khác vẫn chưa làm xong công tác giải phóng mặt bằng và hạ tầng đều bằng 0?!
Do vậy, trong việc triển khai và thực hiện quy hoạch tổng thể, tỉnh và các địa phương cần quan tâm giải quyết các “điểm nghẽn” này. Đồng thời, tập trung tranh thủ và huy động ngay các nguồn lực trong giải quyết những bức xúc về hạ tầng công nghiệp gắn với các tuyến giao thông mang tính kết nối. Phát triển công nghiệp nông thôn gắn với bài toán chuyển dịch cơ cấu sản xuất, chủ động tránh ly hương và cả thu nhập bền vững cho nông dân.
KIM TRUNG
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/kinh-te/can-nhung-cu-hich-cho-phat-trien-cong-nghiep-99360.html