Bánh tằm Ngan Dừa:
Bánh tằm là món ẩm thực đặc trưng của miền Tây, được làm từ bột gạo “Khuấy” chín, se thành sợi sau đó đem hấp đến khi sợi bánh thật chín đạt độ căng bóng tự nhiên. Bánh tằm ở thị trấn Ngan Dừa có tiếng bởi vị ngon rất riêng của xíu mại, ăn kèm với bì và thịt nạc luộc xắt sợi, vị bùi béo, thơm phức của đậu phộng rang giã nhuyễn, thêm một ít dưa leo thái nhỏ, rau thơm, giá sống, nước sốt cà chua, nước mắm giấm, đường, ớt và nước dừa đậm đà làm món bánh tằm Ngan Dừa đã đủ sức cuốn hút thực khách gần xa.
Bánh tằm Ngan Dừa. (Ảnh Internet)
Bún Bò cay:
Mang vị cay đặc trưng của miền Trung nhưng đây là món ăn dân dã của Bạc Liêu được nhiều du khách tìm đến. Tô bún bò cay chỉ đơn giản gồm bò nấu với sa tế ăn với bún trắng nhưng bùn bò cay phường 5 lại được chế biến bằng công thức gia truyền đặc biệt. Màu đỏ đặc trưng của sa tế ớt xăm xắp tô bún nóng mang vị cay nóng ăn kèm với rau quế, thêm vài miếng bánh chéo quảy chấm với muối ớt kèm lát chanh tươi đã tạo nên hương vị tuyệt hảo mà khó nơi nào sánh bằng.
Bún Bò cay. (Ảnh Internet)
Mắm chua Vĩnh Hưng:
Là món ăn dân dã của người dân khu vực Tháp cổ Vĩnh Hưng, mắm chua có hương thơm, màu hơi xanh, đặc biệt mắm còn nguyên dạng cá nhưng toàn bộ xương đã mềm. Chỉ một lần ăn mắm chua Vĩnh Hưng với trái bần, ổi thái mỏng, thậm chí ăn với khế xanh, chuối chát, me xanh, dưa leo… Cũng đủ để du khách nhớ mãi vùng đất này.
Mắm chua Vĩnh Hưng. (Ảnh Internet)
Thanh nhãn Hiệp Thành:
Thanh nhãn Hiệp Thành (ấp Giồng Nhãn A, xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu) nổi tiếng với vị ngọt thanh và hương thơm quyến rũ. Càng thích thú hơn khi có dịp dạo quanh những vườn nhãn cổ thụ khu vực xã Hiệp Thành, thấp thoáng xa xa là những vườn nhãn mới trĩu quả, góp phần tạo nên sản phẩm du lịch mới của tỉnh nhà.
Thanh nhãn Hiệp Thành. (Ảnh Internet)
Lẩu mắm Hồng Gấm:
Lẩu mắm ở đây thường được chế biến từ mắm cá sặc. Nước cốt mắm hòa với nước dừa tươi, mùi sả và tỏi phi sẽ kích thích vị giác thực khách đến lạ. Cù ng với thịt ba rọi thái mỏng, tùy theo từng khẩu vị, thực khách có thể gọi thêm các loại cá như: Cá lóc, cá bông lau, cá ba sa, cá kèo… Đặc biệt rau ở đây rất phong phú: Rau cần, rau muống, cà tím, ngó sen, bông súng, cải xanh, lục bình, bông so đũa… Vào mùa nước nổi, lẩu còn có thêm bông điên điển làm thỏa thích và hài lòng thực khách phương xa. Hiện nay, Lẩu mắm Hồng Gấm có 02 cơ sở: Hồng Gấm 1: Số 3/225 tỉnh lộ 38, khóm 8, phường 5, thành phố Bạc Liêu (gần Chùa Long Phước) và Hồng Gấm 02: khóm 3, phường 2, thành phố Bạc Liêu.
Lẩu mắm Hồng Gấm. (Ảnh Internet)
Bún nước lèo:
Ở Bạc Liêu, bún nước lèo được bán ở khắp nơi, từ những gánh hàng rong cho đến những quán ăn gia truyền nổi tiếng. Bước chân tới quán, du khách sẽ ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt của nước lèo. Nước lèo ngon phải nấu trong nồi đất để giữ được vị ngọt của tôm, cá, nước dừa và dậy mùi thơm của mắm. Ăn kèm với bún nước lèo là bắp chuối thái mỏng, giá, húng quế và hẹ, thêm chút ớt bằm, lát chanh. Ở nơi này hay nơi khác, có khi chủ quán cho thêm mực tươi, thịt heo quay, chả giò, bánh cống… Vào tô bún, nhưng đúng vị và ngon nhất vẫn là tô bún nước lèo Bạc Liêu với cá lóc, tôm và bì “Thính”.
Ảnh minh họa. (Ảnh Internet)
Bánh xèo A Mật:
Bánh xèo A Mật (61/2 Tỉnh lộ 31, Ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp thành, TP. Bạc Liêu) được biết đến với những chiếc bánh xèo vàng rụm điểm xuyến vài chấm xanh của hành lá xắt nhuyễn với nhân bánh là những con tôm đỏ au, chen lẫn những cọng hành tây thái mỏng, những hạt đậu xanh chín ngậy, vài sợ củ sắn… Khiến thực khách chỉ mới nhìn thôi đã ngất ngây. Gắp miếng bánh màu vàng, cuộn với lá cải xanh, xà lách, thêm một vài lá rau diếp cá, rau thơm, các loại rau đồng quê khác chấm với chút nước mắm ớt chua ngọt cùng cà rốt xắt sợi nhuyễn tạo hương vị béo, cay, ngọt, thơm, quả là trên cả tuyệt vời.
Ảnh minh họa. (Ảnh Internet)
Ba khía Bạc Liêu:
Về vùng đất Bạc Liêu, du khách sẽ được thưởng thức món đặc sản ba khía muối hoặc ba khía luộc chấm nước mắm, tỏi, ớt, đường, chanh. Đây là món ăn tuy dân dã nhưng rất ngon, đậm chất quê hương của Bạc Liêu và hấp dẫn đến lạ thường.
Ba khía Bạc Liêu. (Ảnh Internet)
Muối Bạc Liêu:
So với những vùng sản xuất muối khác, muối Bạc Liêu có chất lượng thuộc loại hảo hạng và rất dễ nhận biết. Muối có màu trắng hồng, ánh xám, không mùi, vị mặn, hạt khô, chắc. Đặc biệt vị mặn của muối không đắng là một yếu tố đặc biệt tạo nên sự khác biệt của muối Bạc Liêu.
Muối Bạc Liêu. (Ảnh Phan Thanh Cường)
Bánh củ cải Tiều:
Bánh củ cải Tiều được làm từ củ cải trắng xắt sợi, đem trộn cùng với bột gạo cùng các nguyên liệu như: Tôm khô (loại nhỏ), thịt heo xay, đậu phộng luộc, hành tây cùng các loại muối, đường, bột ngọt… Các nguyên liệu sau khi trộn rồi đem hấp lên là có thể thưởng thức. Bánh củ cải Tiều dùng chung với nước tương hoặc nước mắm chua ngọt đều rất ngon. Bánh có mùi thơm đặt trưng với độ xốp và giòn vừa phải của củ cải, đặc biệt là vị ngọt của tôm rất thanh và hoài hòa với tổng thể món ăn đã làm nên sự khác biệt trong ẩm thực của đất Phương Nam.
Bánh củ cải Tiều. (Ảnh Internet)
Tôm khô:
Bạc Liêu là một trong những vùng sản xuất tôm khô nổi tiếng, tôm khô là một trong những thành phần không thể thiếu của người dân Châu Á. Mùi và vị của tôm khô luôn cho các món ăn thêm độc đáo và rất khác so với các món ăn làm từ tôm tươi.
Tôm khô. (Ảnh Internet)
Dưa bồn bồn:
Bạc Liêu là một trong những nơi có món dưa bồn bồn nổi tiếng gần xa. Ngoài việc làm dưa chua, phần tươi non của cây bồn bồn được chế biến thành nhiều món ăn dân dã như: Xào tôm thịt, nấu canh, nấu lẩu, làm gỏi… Có vị ngọt rất riêng biệt và hấp dẫn.
Dưa bồn bồn. (Ảnh Internet)
Cua biển, ốc mỡ, ốc len:
Với lợi thế của 56km bờ biển, Bạc Liêu nổi tiếng với các loại hải sản, đặc sản tươi sống, cuốn hút du khách khi đặt chân đến vùng đất trù phú này. Những món đặc sản khoái khẩu là: Cua biển rang me, ốc mỡ xào sa tế, ốc len hầm dừa… Tất cả đều mang hương vị biển làm say lòng thực khách.
Cua biển, ốc mỡ, ốc len. (Ảnh Internet)
Xá pấu:
“Xá pấu” là tên gọi của người Hoa, nó có tên gọi khác là củ cải muối, đây là món ăn đặc sản của người Hoa. Củ cải trắng mua về rửa sạch, xắt thành cọng nhỏ phơi khô. Lúc muối chuẩn bị các gia vị như: Đường, bột ngũ vị hương, rượu rồi trộn điều với nhau. Khi nào thấy đường tan, thấm hết vào cọng “xá pấu” là ăn được. Món này ăn với cháo trắng thì thật là tuyệt vời.
Xá pấu. (Ảnh Internet)
(Nguồn: Hướng dẫn du lịch Bạc Liêu)