Dù sở hữu nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng tài nguyên du lịch Đồng bằng sông Cửu Long chưa thật sự được phát huy để thu hút đông đảo du khách do thiếu sự liên kết giữa các địa phương và với các vùng khác trong cả nước.
Khu du lịch Điện gió Hòa Bình 1 thuộc xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) thu hút khách tới tham quan, du lịch. |
Đồng bằng sông Cửu Long sở hữu những nét văn hóa bản địa đặc sắc cùng hệ sinh thái đa dạng gồm hệ thống cửa sông, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ, khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia,… Du lịch sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long gắn với cảnh quan sông nước; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám phá lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống… có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Những năm gần đây, du lịch Bạc Liêu đã có những bước đổi thay đáng kể, địa phương đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch ấn tượng, tạo được thương hiệu trong khu vực và cả nước. Lượng khách tăng trung bình hằng năm 22%, tổng thu từ du lịch tăng 20%. Từ đầu năm 2024 đến nay, Bạc Liêu đã đón hơn 5,1 triệu lượt khách, tăng khoảng 106% so với năm trước. Tại Cà Mau, du lịch có những bước phát triển mạnh: doanh thu 9 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 2.313 tỷ đồng, tổng lượng khách là 1.624.157 lượt người.
Hiện trên địa bàn có khoảng 70% điểm du lịch sinh thái đang hoạt động dưới hình thức kết hợp giữa mô hình du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng; khai thác hệ sinh thái rừng ngập mặn, kinh doanh hoạt động vận chuyển khách tham quan (bằng vỏ lãi ra bãi bồi ngắm cảnh biển), phục vụ trải nghiệm (thu hoạch tôm, soi ba khía, câu cá…) và cung cấp ẩm thực đặc sản địa phương…
Tuy có nhiều tiềm năng nhưng nhìn chung tốc độ phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua chưa được như kỳ vọng bởi những hạn chế, khó khăn. Do tính tương đồng về tài nguyên du lịch, hầu hết các địa phương đều tổ chức khai thác các sản phẩm chính này nên các giá trị đặc thù chưa được khai thác phù hợp. Cách làm du lịch vẫn còn mang nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào thiên nhiên, khai thác những gì sẵn có mà thiếu sự đầu tư dài hạn, thiếu sự liên kết.
Một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy du lịch phát triển là tăng cường sự liên kết. Thời gian qua, một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có những nỗ lực bước đầu. Ngành du lịch Bạc Liêu đẩy mạnh liên kết với các tỉnh, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng tour mới trên cơ sở kết nối giá trị văn hóa, lịch sử giữa Bạc Liêu với các địa phương. Đồng thời, ngành mời gọi các doanh nghiệp lữ hành trên toàn quốc đến khảo sát điểm đến, đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm, lắng nghe góp ý để có giải pháp nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch địa phương; qua đó tham mưu cho tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để các doanh nghiệp liên kết phát triển các tour du lịch chuyên nghiệp; mở rộng thị trường khách nội địa, khách nối tour từ Bạc Liêu đến các địa phương, từng bước khai thác thị trường khách du lịch quốc tế.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Bạc Liêu Trần Văn Thi cho biết: Thời gian qua, trung tâm đã đề xuất nhiều giải pháp cho lãnh đạo Sở Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh, trong đó đặc biệt chú trọng tăng cường liên kết hợp tác giữa Bạc Liêu và 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh thông qua hoạt động quảng bá, xúc tiến liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành, du lịch. Gần đây, Bạc Liêu cũng đã tham gia chương trình quảng bá xúc tiến tại Quảng Ninh cùng với Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, giới thiệu du lịch Bạc Liêu tại Quảng Ninh và các tỉnh phía bắc.
Mặc dù có những bước tăng trưởng khá, nhưng về tổng quan, tài nguyên du lịch của Cà Mau vẫn chưa được khai thác một cách hiệu quả, chưa tận dụng hết lợi thế tiềm năng. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động liên kết: “Chương trình liên kết sẽ mở ra những tour du lịch, những sản phẩm mới phù hợp với từng phân khúc thị trường và từng loại du khách nhằm tạo sự khác biệt giữa các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời khai thác lợi thế, tiềm năng của tài nguyên văn hóa địa phương đối với các đoàn khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía bắc, miền trung và Tây Nguyên. Thông qua Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và Hiệp hội Du lịch tỉnh Cà Mau, các doanh nghiệp ở Cà Mau có thể tiếp cận những thị trường rộng lớn và tiềm năng hơn, từ đó tạo điều kiện cho du lịch tỉnh nhà phát triển bền vững và đồng bộ”.
Theo bản đồ du lịch quốc gia, Đồng bằng sông Cửu Long là một trong sáu vùng có tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch với đặc thù sông nước, miệt vườn, biển đảo cùng các giá trị văn hóa bản địa và truyền thống lịch sử; có triển vọng phát triển kinh tế ban đêm, công nghiệp văn hóa trong tương lai. Việc quan tâm đầu tư, có lộ trình hợp lý trong quy hoạch vùng, phát triển hạ tầng, giao thông liên kết và tạo điều kiện từ các cấp, ngành liên quan sẽ góp phần khắc phục hạn chế, từng bước giúp du lịch vùng phát triển bền vững.
Phương Liên và Khánh Phương
Nguồn:https://nhandan.vn/lien-ket-de-phat-trien-du-lich-ben-vung-post850665.html