Các dân tộc anh em Kinh – Khmer – Hoa cùng cộng cư đã tạo cho Bạc Liêu những sắc màu văn hóa đa dạng và có sự giao thoa, trong đó được thể hiện đậm nét qua những lễ hội truyền thống. Vậy, tại sao không tận dụng nguồn tài nguyên này để xây dựng thành những sản phẩm du lịch đặc sắc để văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn, phát huy rực rỡ giá trị?!
TÀI NGUYÊN CHƯA ĐƯỢC ĐÁNH THỨC
Là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, mỗi dân tộc đều có cho riêng mình di sản văn hóa phi vật thể là những lễ hội độc đáo. Nói đến đồng bào Khmer là nói đến những lễ hội đầy màu sắc. Tiêu biểu như lễ hội Oóc-om-bóc là dịp để người Khmer tạ ơn thần Mặt trăng đã mang lại mưa thuận, gió hòa giúp mùa màng bội thu; giáo dục mọi người biết quý trọng nông sản bởi đó là thành quả lao động, sản xuất của người nông dân. Ngoài ra, phần hội còn diễn ra các hoạt động như: đua ghe Ngo, múa lâm-thôn… tạo nên không khí rộn ràng, giúp gắn kết cộng đồng.
Còn với người dân ở các xã ven biển, Nghinh Ông là lễ hội dân gian thể hiện lòng biết ơn loài cá voi và khát vọng vươn khơi làm giàu từ biển. Lễ hội diễn ra các nghi thức rước Ông với đoàn người trong trang phục tướng quân, quân sĩ, cung nữ, cùng đội múa lân, trống kèn và những tàu cá được trang hoàng lộng lẫy.
Cũng vì xuất phát từ đời sống lao động, văn hóa tín ngưỡng nên có thể thấy, các lễ hội đều mang ý nghĩa tốt đẹp và cũng giàu tiềm năng để phát triển du lịch. Dẫu vậy, các lễ hội trên địa bàn tỉnh vẫn chỉ được xem là tài nguyên vì chưa được xây dựng thành sản phẩm du lịch, quy mô còn bó hẹp trong cộng đồng. Đến nay, chỉ có Lễ hội Dạ cổ hoài lang được UBND tỉnh tổ chức vào dịp Rằm tháng 8 hằng năm, nhưng cũng chưa thật sự là một sản phẩm hấp dẫn.
Nghi thức diễu hành rước Ông của người dân huyện Đông Hải. Ảnh: H.T
CỘNG ĐỒNG BẢO VỆ
Trước yêu cầu phát triển trong tình hình mới, văn hóa dân tộc càng được chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị để tạo sức mạnh nội sinh đưa đất nước phát triển. Một trong những hành động mới nhất là Bộ VH-TT&DL ban hành quyết định về tổ chức triển khai Kế hoạch “Bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương, khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch”.
Kế hoạch được ban hành nhằm nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của chủ thể văn hóa, các tổ chức, cá nhân có liên quan. Từ đó, khơi dậy mạnh mẽ niềm tự hào và trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Bộ đã chọn lễ hội của các dân tộc thiểu số tại một số địa phương để làm điểm thực hiện. Tuy không thuộc đối tượng thụ hưởng, song Bạc Liêu có thể tham khảo, áp dụng những nội dung của Kế hoạch vào thực tiễn công tác bảo tồn lễ hội. Đó là tổ chức tập huấn, truyền dạy phương pháp, kỹ năng bảo tồn lễ hội; sản xuất phim tài liệu, tăng cường tuyên truyền trên báo chí để phục vụ công tác bảo tồn, giới thiệu lễ hội. Đặc biệt, lựa chọn những lễ hội tiêu biểu, có điều kiện thuận lợi để trình diễn, tái hiện. Trong đó, cần có nguồn hỗ trợ cho người tham gia tập luyện, trình diễn và các khâu trang phục, đạo cụ, nhạc cụ…
Trong 12 điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long tại Bạc Liêu, chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) hội đủ các yếu tố để phát triển du lịch lễ hội. Hiện, Sở VH-TT&DL đang tích cực triển khai các nội dung của dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại chùa Xiêm Cán. Trong đó sẽ trình diễn, tái hiện 2 lễ hội là tết Chôl-chnăm-thmây và Oóc-om-bóc của đồng bào Khmer; sản xuất 2 phim tài liệu về lễ hội của người Hoa và người Khmer ở Bạc Liêu.
Phát triển du lịch từ lễ hội truyền thống không phải việc dễ thực hiện, nhưng đó là yêu cầu cấp bách trước thực trạng lễ hội tồn tại những biến tướng và nguy cơ mai một. Công việc này cần sự cộng đồng trách nhiệm để lễ hội gìn giữ được nét đẹp vốn có, trở thành những sản phẩm đặc thù thu hút du khách.
HỮU THỌ
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/van-hoa-nghe-thuat/xay-dung-san-pham-du-lich-tu%E2%80%8B-le-hoi-truyen-thong-98271.html