“Con mang tài tử ra quê hương Bác” – nghệ sĩ Hồng Nhiên (Nhà hát Cao Văn Lầu) đã đăng trên trang cá nhân của mình một video dài gần 5 phút và nhận được hơn 1.000 lượt xem không lâu sau đó. Là liên khúc “Tự hào báu vật phương Nam” mà tỉnh Bạc Liêu cùng góp mặt vào chương trình nghệ thuật đặc biệt trong Lễ kỷ niệm 10 năm Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể đại diện của nhân loại, diễn ra vào tối 23/11, tại TP. Vinh (tỉnh Nghệ An).
Một tiết mục giao lưu các loại hình di sản văn hóa của Việt Nam tại Lễ kỷ niệm 10 năm Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Internet
“Quan họ hát người ơi ở lại, ví giặm dùng dằng vụng dại níu chân, cồng chiêng ngân gió núi mây ngàn, điệu câu vọng cổ nối mọi miền thương nhớ…”. Đúng là một chương trình nghệ thuật đặc biệt bởi đó là sự giao thoa, giao duyên giữa các loại hình nghệ thuật đặc sắc đã được UNESCO công nhận là DSVH phi vật thể tầm thế giới! Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được Bạc Liêu vinh dự đại diện các tỉnh, thành Nam Bộ trong một chương tình hội tụ và tôn vinh các DSVH của dân tộc.
Ngày 27/11/2014, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại, sau nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ gần 1 năm. Và năm rồi (2023), Bạc Liêu cũng có một số hoạt động kỷ niệm 10 năm nhân sự kiện này ở phạm vi trong tỉnh. Những lễ kỷ niệm được tổ chức long trọng chính là mang ý nghĩa tôn vinh các loại hình di sản của Việt Nam, thể hiện cam kết bảo vệ DSVH và quảng bá rộng rãi bản sắc dân tộc. 15 DSVH phi vật thể tiêu biểu của cả nước vinh dự được UNESCO ghi danh DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại không chỉ là niềm tự hào của người dân các tỉnh sở hữu các loại hình di sản mà còn là niềm tự hào chung của cả quốc gia.
Một chương trình nghệ thuật đặc sắc giới thiệu các di sản nhân dịp kỷ niệm ngày tôn vinh một di sản như cách làm của Nghệ An, thiết nghĩ cần được nhân rộng ở các địa phương! Để qua sự giao thoa, hội ngộ độc đáo này, các di sản cùng khoe sắc, qua đó chứng minh sức sống, sức lan tỏa mạnh mẽ bất kể không gian và thời gian, đưa di sản vượt ra khỏi không gian của vùng văn hóa xứ sở nơi hiện hữu mà đến với cả nước và còn vượt biên giới quốc gia, lan tỏa ra thế giới.
Cùng với các DSVH vật thể, kho tàng DSVH phi vật thể đã góp phần tạo nên cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc – những bằng chứng vật chất lẫn tinh thần giúp người hôm nay và mai sau tỏ tường nguồn cội, truyền thống lịch sử, đặc trưng văn hóa của dân tộc mình. Và khi văn hóa là “nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế – xã hội” thì sự lan tỏa, quảng bá để tôn vinh tính đa dạng, phong phú của các loại hình DSVH Việt Nam là cần thiết.
C.T
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/van-hoa-nghe-thuat/lan-toa-gia-tri-di-san-viet-nam-98043.html