Sau sự việc TP. Bạc Liêu cho bứng 4 gốc me cổ thụ hơn trăm tuổi ở đường Bà Triệu (Phường 3), tôi có viết bài “Cây me mà biết nói” đăng trên báo Bạc Liêu số thứ Ba, ngày 12/11. Nhiều bạn đọc đã nhắn tin, điện thoại cho tôi tỏ rõ sự đồng cảm. Có bạn cảm ơn rằng tôi đã nói thay cho tâm tư của họ. Như vậy, dư luận vẫn còn mối băn khoăn về lâu năm của thành phố. Nỗi băn khoăn rất chính đáng và trách nhiệm. Đây là lý do thứ nhất tôi muốn trở lại bàn thêm nên viết bài thứ hai này.
Lý do thứ hai là 4 cây me cổ thụ bứng đi rồi có bố trí trồng lại ở đâu cho hợp lý không, và các cơ quan chức năng bứng cây có khoa học, có đảm bảo khi trồng chúng sẽ sống lại. Thông tin này người dân cần biết lắm. Và tôi nghĩ, chính quyền thành phố cũng nên có thông tin với dân địa bàn mình. Có thế mới an lòng những người yêu thành phố.
Lý do thứ ba, với tôi rất quan trọng là cần có một nhận thức mới, một hành động mới bảo vệ hệ thống cây xanh hơn trăm tuổi còn lại của thành phố. Cần một nhận thức mới là vì đã qua, biện pháp bảo vệ cây trong những thời kỳ khác nhau chưa “đủ đô”. Mới đây, ngày 13/11, khoảng 8 giờ sáng, tôi còn nhìn thấy đơn vị thi công sửa chữa tòa nhà 18 tầng nằm ở góc đường Trần Phú – Bà Triệu vẫn ung dung cắt bỏ cành một cây trăm tuổi. Sẵn đó, tôi nhìn lại khu vực công viên hàng me xưa trên mép đường Trần Phú thì mới thấy rằng không biết từ bao giờ, ai đó đã chặt bỏ phân nửa số lượng cây me cổ thụ. Vì ngày xưa nó được bố trí hai hàng giờ chỉ còn một hàng giáp lộ. Tôi còn thấy ở đường Hà Huy Tập (Phường 3), một gốc me cổ thụ không biết ai tỉa cành mà giống như “chặt đầu người sống”, cây me không còn một nhánh để thở ôxy. Một vài tuyến đường khi người ta thi công đường vỉa hè thì đổ bê-tông bó cứng gốc cây hoặc chừa không gian không đủ cho cây lấy ôxy mà sống. Đây là cách ứng xử với cây không khoa học và xem thường mạng sống của cây.
Người thành phố có quyền đặt dấu hỏi là những lúc ấy chính quyền ở đâu, Trung tâm Dịch vụ đô thị ở đâu?
Hàng me cổ thụ trên đường Trần Phú (Phường 3, TP. Bạc Liêu) bị cắt cành. Ảnh: H.T
Tôi thì chua chát mà nghĩ, thì họ vẫn ở đấy đó thôi. Vấn đề là chưa có quy định bảo vệ nghiêm ngặt những cây trăm tuổi của thành phố. Và tư duy xảy ra lúc bấy giờ là các công trình kinh tế trọng điểm của tỉnh, của thành phố cần đất để thi công, quan trọng hơn? Người ta quên rằng trong vận động phát triển của tỉnh, một thành phố thì kinh tế và văn hóa phải hài hòa. Kinh tế mà phát hiện trong sự thui chột văn hóa là không có sự phát triển. Một thành phố hiện đại nhưng thiếu nét duyên, trữ tình, thậm chí lãng mạn. Đó là một thành phố thiếu tâm hồn sâu lắng để ru hời, ấp ủ, nuôi dưỡng tâm hồn cư dân của nó và như thế thì không phải là thành phố phát triển.
Cư dân TP. Bạc Liêu phải được sự gợi ý, nhắc nhở lịch sử phát triển ngôi chợ của mình, khu phố của mình. Những gốc me cổ thụ là cây nhân chứng của thành phố thì tôi nói rồi, giờ muốn đi sâu thêm một tí. Năm 1882, Pháp cho thành lập tỉnh Bạc Liêu rồi làm đường, trồng cây ở chợ Bạc Liêu. Từ đây Bạc Liêu trở thành đại bản doanh và trung tâm hành chính để nhà nước Pháp điều hành việc đẩy mạnh khẩn hoang, đẩy mạnh thủy lợi, mở rộng diện tích trồng lúa mà thu thêm thuế, vơ vét thuộc địa. Chủ tỉnh đầu tiên của Bạc Liêu là Lounothe đã thể hiện cái đầu đầy tham vọng mà cũng rất chiến lược trong một báo cáo gửi Thống đốc Nam Kỳ năm 1882 như sau: “Trong hiện tại Bạc Liêu chưa là gì nhưng trong tương lai sẽ trở nên một thành phố lớn nhất của Nam Kỳ, sau Sài Gòn. Chỉ cần đào một con kênh nối liền Bạc Liêu – Cà Mau và cất một cây cầu nối đôi bờ con kênh chợ Bạc Liêu”.
Xuất phát từ ý đồ trên mà công cuộc làm thủy lợi kết hợp với giao thông ở Bạc Liêu được đẩy mạnh vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Năm 1897 làm xa lộ Bạc Liêu đi Sóc Trăng để nối được tới Sài Gòn; năm 1915 hoàn thành tuyến lộ và trục thủy lợi xương sống Bạc Liêu – Cà Mau; năm 1920 đào xong kênh Hộ Phòng Quản Lộ dài 14km; năm 1925 đào xong kênh xáng Ngan Dừa – Bạc Liêu dài 28km. Cũng trong năm này đào xong kênh lộ Bẻ – Gành Hào dài 18km…
Mạng lưới thủy lợi này phát huy tác dụng đến hôm nay, khi nó làm xong đã thu hút Tiền Giang và những nơi khác về Bạc Liêu khai hoang trồng lúa. Bạc Liêu trở thành tỉnh xuất khẩu gạo thứ nhì Nam Kỳ.
Từ đó mà chợ Bạc Liêu trở nên sầm uất, phồn thịnh, là một trong 4 trung tâm kinh tế lớn của Đồng bằng sông Cửu Long. Nhà báo Tạ Như Khuê viết bài “Đây Bạc Liêu” đăng trên tờ báo Thanh Nghị năm 1944 có đoạn: “… ở bên kia sông, về phía nhà thờ có nhiều vila mới xây của mấy vị điền chủ coi đẹp mắt. Chợ lập giáp sông, không đồ sộ như chợ Bến Thành – Sài Gòn, không rộng rãi như chợ Đồng Xuân – Hà Nội, nhưng tươi sáng sạch sẽ. Tết đến trong mấy ngày chợ đêm ghe ở các tỉnh chở những hàng lên bán tấp nập, ồn ào không kém gì những thành phố lớn”.
Sự hình thành nhanh chóng của chợ Bạc Liêu không chỉ có kế hoạch phát triển của người Pháp mà còn có công lao mồ hôi nước mắt của tiền nhân chúng ta. Khúc quanh lịch sử, sự đóng góp mồ hôi nước mắt của tiền nhân chúng ta diễn ra vào vòng đời của những cây cổ thụ hơn trăm tuổi của Bạc Liêu. Đời cây và đời người đi cùng năm tháng để đến bây giờ người TP. Bạc Liêu gọi những cây ấy là nhân chứng lịch sử. Nó có sức nhắc nhớ, gợi mở một lịch sử đẹp đẽ nhưng cũng nhiều mồ hôi nước mắt. Nó nhắc người ta thấu hiểu để có trách nhiệm về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Cuối cùng, có thể kết luận, đó là “cây văn hóa”.
Chúng ta có quy định xác định cây di sản Việt Nam phải là cây mọc tự nhiên và có tuổi đời trên 200 năm. Nhưng đó là câu chuyện của quốc gia. Còn chuyện của chúng ta là xây dựng TP. Bạc Liêu thì kinh tế, văn hóa phải hài hòa. Việc đối xử ngược đãi chặt bỏ “cây văn hóa” của thành phố đặt ra cho chính quyền một trách nhiệm là phải xác định giá trị, thậm chí đặt tên và có kế hoạch bảo vệ nghiêm ngặt.
Việc tiếp tục móc cành chặt nhánh, đốn bỏ những cây hơn trăm tuổi tiếp tục tái diễn sẽ giống như những nhát dao chém vào văn hóa lịch sử của thành phố và cả tỉnh Bạc Liêu.
Nhà văn Phan Trung Nghĩa
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/van-hoa-nghe-thuat/viet-tiep-cau-chuyen-cay-me-ma-biet-noi-97882.html