(BL-KP) Chiều 12/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Chủ tịch Quốc hội – Trần Thanh Mẫn chủ trì điều hành phiên họp.
Đại biểu Trần Thị Thu Đông chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Q.H
Theo Chương trình làm việc, các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn với các nhóm vấn đề liên quan đến giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.
* Đại biểu Trần Thị Thu Đông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông liên quan đến đề xuất về sắp xếp, tinh giản cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ. Theo đại biểu, hiện nay cả nước có 880 cơ quan báo chí nhưng trong bối cảnh thị phần quảng cáo ngày càng bị thu hẹp bởi sự xâm lấn của các nền tảng mạng xã hội. Điều này khiến nhiều cơ quan báo chí không đảm bảo kinh phí để hoạt động. Mặt khác, hiện nay, người dân xem truyền hình bằng app là thứ phi biên giới theo yêu cầu và bất kể thời gian nên khoảng cách địa lý đã không còn là trở ngại. Đại biểu Trần Thị Thu Đông đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có đề xuất với Chính phủ để mạnh dạn sắp xếp, tinh giản những cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, hoạt động không hiệu quả, vi phạm pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Công an – Lương Tam Quang báo cáo, giải trình làm rõ một số vấn đề liên quan được nêu tại phiên chất vấn, trong đó làm rõ một số hậu quả, hệ lụy liên quan đến tin giả, tin sai sự thật. Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang khẳng định, tin giả, tin sai sự thật gây hậu quả khôn lường, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, đang trở thành mối đe dọa lớn đối với tình hình kinh tế – xã hội, thậm chí đe dọa trực tiếp đến chủ quyền quốc gia và an ninh toàn cầu. Về các giải pháp cho tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, thứ nhất nắm tình hình, đấu tranh, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các đối tượng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, mạng xã hội. Trong đó, trách nhiệm pháp lý đối với các đối tượng đưa tin giả, tin sai sự thật theo quy định của pháp luật hiện hành, có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự theo nghị định của Chính phủ và các điều của Bộ luật Hình sự.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới hoạt động theo luật pháp khác, không giống với hệ thống luật pháp của Việt Nam, do đó gây khó khăn trong việc yêu cầu họ tuân thủ luật pháp Việt Nam. Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam là nước có chủ quyền và luật pháp trên không gian mạng, yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam thì phải tuân thủ luật pháp của Việt Nam.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn kết thúc lúc 15 giờ. Thủ tướng Chính phủ – Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề có liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào cuối phiên chất vấn.
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/tin-tuc/tiep-tuc-phien-chat-van-va-tra-loi-chat-van-nhom-van-de-thuoc-linh-vuc-thong-tin-va-truyen-thong-97836.html