Thiếu kinh phí đặt hàng người viết kịch bản, dàn dựng tác phẩm và hơn nữa là sự bùng nổ của các loại hình giải trí mới trên mạng xã hội… là những nguyên nhân khiến cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống bị thất thế trong cuộc cạnh tranh khán giả. Bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ ngân sách nhà nước, các đơn vị nghệ thuật cũng rất cần nguồn lực tài trợ bên ngoài để tiếp tục duy trì “nguồn sống”.
Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu phục vụ chương trình nghệ thuật tại xã Hưng Hội.
CỐNG HIẾN TRONG THẾ KHÓ
Cuối tháng 8, Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu có chuyến biểu diễn phục vụ người dân ở các ấp Nước Mặn, Cái Giá (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi). Tại chùa Cái Giá chót, đoàn có mặt từ sớm để dựng rạp, chuẩn bị âm thanh, cảnh trí và phối hợp với chính quyền địa phương phát loa di động để thông báo lịch biểu diễn đến từng nhà. Tối đến, người dân trong ấp rủ nhau đến chùa để vãng cảnh và xem nghệ thuật, tạo nên bầu không khí rộn ràng như lễ hội. Nhiều khán giả ngồi xem đến kết thúc chương trình, nhất là vào đêm cuối vì có biểu diễn Dù kê.
Để có được một chương trình chỉn chu và hấp dẫn mang đến khán giả, các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu đã vượt qua những vất vả, thách thức. Tình trạng thiếu kinh phí đầu tư cho chương trình, nhân lực không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trang thiết bị máy móc xuống cấp tiếp tục kéo dài khiến cho hoạt động của đoàn hết sức khó khăn. Thậm chí, đoàn nhiều lần phải thuê cộng tác viên, thuê xe đi phục vụ ở cơ sở. Thế mới thấy, tinh thần cống hiến vì nghệ thuật của các nghệ sĩ, diễn viên đã vượt lên trên mọi trở ngại, gian khó.
Cùng cảnh ngộ đó, lãnh đạo Nhà hát Cao Văn Lầu đang “đau đầu” trong khâu thuê tác giả, đạo diễn viết kịch bản, dàn dựng vở cải lương mới do kinh phí cấp chi trả èo ọt. Theo mục tiêu của Đề án phát triển nghệ thuật cải lương Bạc Liêu giai đoạn 2021 – 2025, Nhà hát phải phối hợp với các Đài Truyền hình trực tiếp 4 vở cải lương mới mỗi năm. Tuy nhiên, kinh phí cấp cho đơn vị hằng năm chỉ đủ dựng 2 – 3 vở nên muốn đạt mục tiêu của Đề án thì buộc phải chia nhỏ nguồn kinh phí vốn eo hẹp. Nếu làm như thế rất khó đòi hỏi chất lượng cao ở các vở cải lương của Nhà hát.
Hoạt động biểu diễn cải lương của Nhà hát Cao Văn Lầu cần được xã hội hóa để nâng cao chất lượng phục vụ khán giả. Ảnh: H.T
CẦN NGUỒN XÃ HỘI HÓA
Từng có thời điểm Nhà hát Cao Văn Lầu sáng đèn liên tục vào tối thứ Năm, thứ Bảy hằng tuần để phục vụ du khách, người dân địa phương yêu mến nghệ thuật cải lương. Trong đó, một suất diễn do một doanh nghiệp viễn thông của tỉnh tài trợ nhưng chỉ kéo dài được trong năm 2019. Từ đó đến nay, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến hoạt động kinh doanh bị suy giảm nên doanh nghiệp không còn hỗ trợ suất diễn cho Nhà hát.
Ông Văn Công Diệp – Giám đốc Nhà hát Cao Văn Lầu, chia sẻ: “Ngoài nguồn ngân sách của tỉnh, nghệ thuật cải lương rất cần được xã hội hóa để nuôi sống hoạt động biểu diễn. Muốn có nhiều vở diễn mới chất lượng thì phải cần kinh phí tương xứng để mời các soạn giả, đạo diễn tham gia. Theo Đề án phát triển nghệ thuật cải lương giai đoạn 2021 – 2025, mức chi trả cho tác giả sáng tác kịch bản và đạo diễn là 30 triệu đồng/người, nhưng thực tế hiện nay phải cần từ 80 – 100 triệu đồng mới mời được những người có tên tuổi. Vì vậy, Nhà hát rất mong UBND tỉnh, Sở VH-TT&DL tăng cường vận động các doanh nghiệp trong tỉnh, các công ty lữ hành trong nước tài trợ kinh phí để có thêm suất diễn phục vụ khán giả”.
Cũng như nghệ thuật cải lương, hoạt động trình diễn nghệ thuật Khmer đang giảm sức hút do kinh phí đầu tư hạn hẹp. Không thể mãi trông chờ hoàn toàn vào ngân sách Nhà nước, thiết nghĩ Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu trong thời gian tới nên tranh thủ xã hội hóa từ các chùa Khmer, đồng bào dân tộc để huy động thêm nguồn lực bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống.
Trong bối cảnh hội nhập, văn hóa – nghệ thuật truyền thống của dân tộc vì nhiều lý do đang bị thất thế trong việc thu hút khán giả. Chính vì thế, làm tốt công tác xã hội hóa không chỉ giảm gánh nặng cho ngân sách tỉnh mà còn góp phần nâng cao trách nhiệm bảo tồn văn hóa dân tộc trong cộng đồng.
HỮU THỌ
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/van-hoa-nghe-thuat/nghe-thuat-truyen-thong-kho-khan-tim-nguon-song-96681.html