Với 6 tiết mục trong chương trình kỷ niệm “Ngày Âm nhạc Việt lần thứ XV – năm 2024” tại Bạc Liêu đêm 1/9, hình ảnh đất và người Bạc Liêu chứa chan ân tình đã được chuyển tải và lan tỏa nhẹ nhàng qua “con đường” âm nhạc! “Dốc hết tâm sức để gặt hái nhiều thành công mới góp phần phát huy âm nhạc Bạc Liêu ngày thêm đậm tình, thắm sắc” là gửi gắm của Chủ tịch Liên hiệp các Hội VH-NT Bạc Liêu – Đỗ Ngọc Ẩn đến với anh em văn nghệ sĩ.
Ca khúc “Nhớ giọt sữa cuối cùng” – sáng tác mới của nhạc sĩ Đỗ Tiến Lập được thể hiện trong chương trình kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam năm 2024 tại Bạc Liêu.
Tiếp bước những “nhạc sĩ – chiến sĩ”
Ngày Âm nhạc Việt Nam (3/9) hằng năm nhắc ta nhớ lại hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ huy dàn nhạc và đông đảo quần chúng nhân dân cùng hát “Bài ca kết đoàn” tại công viên Bách Thảo (Thủ đô Hà Nội) ngày 3/9/1960. Đó cũng là khởi nguồn cho Ngày Âm nhạc Việt Nam!
Âm nhạc như một dòng chảy bền bỉ cùng lịch sử dân tộc. Với “tay súng tay đàn”, “tiếng hát át tiếng bom”, âm nhạc cổ vũ tinh thần chiến đấu, nhân lên tinh thần yêu nước trong con người Việt Nam qua trường kỳ kháng chiến, đầy những đau thương mất mát mà không chùn bước! “Cô gái vót chông”, “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây”, “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, “Chiếc gậy Trường Sơn”… đầy khí thế trong những năm tháng chiến đấu và vẫn lan tỏa ngọn lửa ấy cho lớp người sau. Với những rung cảm mạnh mẽ, sức lan tỏa bền bỉ, âm nhạc giúp đời sống tinh thần thêm phong phú, “chữa lành” những buồn thương, nhân lên niềm hạnh phúc; và làm cho người ta thêm yêu Tổ quốc mình – đó là sứ mệnh quan trọng của văn hóa – văn nghệ nói chung, âm nhạc nói riêng!
Âm nhạc Bạc Liêu có mặt trên bước đường hành quân của những nhạc sĩ – chiến sĩ một thời. Làm sao quên được những “Đêm nay con hành quân”, “Trăng về Cần Thơ”, “Tiếng hát hậu phương”… của nhạc sĩ Thế Phương; hay nhiều ca khúc về người lính Cụ Hồ, tình yêu quê hương, đất nước, gương các anh hùng liệt sĩ… của nhạc sĩ Lê Lương, Thanh Tâm, Phạm Hoàng Tươi… đã ra đời trong mưa bom bão đạn.
Tiếp nối đội ngũ nhạc sĩ – chiến sĩ ấy, những lớp người kế tiếp như Nguyễn Hồng, Diệp Phát Văn, Nguyễn Quốc, Lâm KemPet… tiếp tục góp nhiều ca khúc sâu lắng về quê hương và khẳng định tên tuổi qua nhiều giải thưởng ở khu vực, cũng như các cuộc thi toàn quốc…
7 cá nhân được khen thưởng vì có những sáng tác đạt chất lượng cao trong đợt tập huấn sáng tác ca khúc năm 2023. Ảnh: C.T
Tín hiệu mới từ phong trào sáng tác
Hình ảnh liệt sĩ Nguyễn Thị Tư trên sân khấu âm nhạc với ca khúc “Nhớ giọt sữa cuối cùng” của nhạc sĩ Đỗ Tiến Lập (phổ thơ Hồ Xuân Tứ) như một sự tiếp nối lịch sử đã gây ấn tượng cho khán giả tại chương trình kỷ niệm “Ngày Âm nhạc Việt lần thứ XV – năm 2024”! Gợi những nét đặc trưng về đất và người Bạc Liêu như bản “Dạ cổ hoài lang”, thương hiệu Công tử Bạc Liêu, vườn nhãn chín, những cánh chim bay về nơi đấy lành…, sáng tác “Về Bạc Liêu nhé anh” của nhạc sĩ Hương Giang khá ngọt ngào! Hay “Nụ cười Bạc Liêu”, ca khúc mới của nhạc sĩ Nguyễn Quốc đã khắc họa sự thân thiện, cởi mở của con người Bạc Liêu qua nụ cười. Cùng với “Khát vọng Bạc Liêu” (Liêu Vinh Toàn), “Bạc Liêu trong tôi” (Phương Oanh), “Bạc Liêu quê hương tôi” (Đào Hải Âu)… những sáng tác đậm tình, thắm sắc về Bạc Liêu hy vọng sẽ được khán giả, công chúng đón nhận bởi đó là những thấu cảm, tâm huyết mà các nhạc sĩ đã gửi gắm vào đó.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội VH-NT Bạc Liêu – Đỗ Ngọc Ẩn cho biết: “Liên hiệp Hội cùng với Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu, Chi hội Âm nhạc luôn quan tâm phát hiện, bồi dưỡng, khuyến khích những nhân tố tài năng. Hằng năm, Liên hiệp Hội phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức các chuyến sáng tác thực tế, bồi dưỡng nghiệp vụ sáng tác, thành lập các câu lạc bộ, khuyến khích sáng tác và đăng bài trên Tạp chí Văn hóa – Văn nghệ Bạc Liêu, in các tuyển tập âm nhạc… Với việc tham gia và gặt hái thành tích ở các cuộc thi cấp khu vực, quốc gia, các nhạc sĩ, tác giả được cọ xát, học hỏi trong môi trường lớn hơn nhằm nâng cao kiến thức, đồng thời mang dấu ấn văn hóa Bạc Liêu đến với bạn bè gần xa qua tác phẩm của mình. Nhiều hội viên hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn, giảng dạy cũng có nhiều đóng góp vào hoạt động văn hóa – văn nghệ tỉnh nhà”.
Trong vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu cũng như thường xuyên sáng tác, nhạc sĩ Nguyễn Quốc cũng đúc kết những khó khăn trong phong trào sáng tác: “Lớp nhạc sĩ thuộc thế hệ kế tiếp những nhạc sĩ trong kháng chiến có thể kể đến như Diệp Phát Văn, Đỗ Tiến Lập, Nguyễn Quốc… là những người thường xuyên sáng tác và các ca khúc được giới thiệu, phổ biến ở các sân khấu trong tỉnh. Nhiều tác giả nhiệt tình sáng tác, tuy nhiên việc đầu tư vào tác phẩm (phối nhạc, chuyển từ ý tưởng thành sản phẩm âm nhạc được phổ biến) chưa được chú trọng cộng với sự hỗ trợ của những nhạc sĩ chính quy đôi khi còn hạn chế nên phong trào chưa được lan rộng”.
Gần đây, để có ca khúc về Bạc Liêu quảng bá quê hương với những di sản, phong cảnh, du lịch… đồng thời để tạo điều kiện cho sinh viên học đại học âm nhạc có “đất” để sáng tác, Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu đã mở các lớp tập huấn sáng tác ca khúc, từ đó tạo ra một phong trào sáng tác khá mạnh. Như vậy, việc tạo điều kiện được hỗ trợ về chuyên môn từ chính các nhạc sĩ sáng tác trong chi hội đã tiếp thêm động lực để có lớp người sáng tác tiếp theo. Theo nhạc sĩ Nguyễn Quốc thì “chưa thể bình phẩm về chất lượng ca khúc, vì âm nhạc phải qua một thời gian mới nhận định được. Nhưng có thể đánh giá một cách khách quan là hiện tại lực lượng sáng tác đã nhiều dần lên và tạo ra rất nhiều ca khúc”. Đó cũng là tín hiệu vui cho phong trào âm nhạc Bạc Liêu.
CẨM THÚY
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/van-hoa-nghe-thuat/de-am-nhac-bac-lieu-dam-tinh-tham-sac!-96617.html