Nghề làm muối:
Diện tích làm muối của Bạc Liêu tập trung ở 02 xã Long Điền Đông và Long Điền Tây, huyện Đông Hải. Làng muối Đông Hải được công nhận là làng nghề. Để làm ra hạt muối không có vị đắng và chát như những vùng đất khác, người làm muối phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ khâu làm đất tới khâu theo dõi độ mặn của nước biển. rồi đảo muối, phơi muối… Có được ruộng muối đạt năng suất cao, chất lượng tốt, người làm muối phải tính toán khéo léo, khoa học trong từng công đoạn bằng kinh nghiệm của người trong nghề, cha truyền con nối.
Nghề làm muối. (Ảnh Phan Thanh Cường)
Nghề dệt chiếu:
Nghề dệt chiếu tập trung ở huyện Hồng Dân và huyện Phước Long. Từ những vật liệu đơn giản, nhưng qua bàn tay khéo léo của người thợ, những sản phẩm chiếu trở nên tinh xảo và được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng bởi mẫu mã phong phú, bền và rất đẹp.
Nghề dệt chiếu. (Ảnh Internet)
Nghề đan đát:
Đan đát là nghề đã tồn tại lâu đời của người dân ấp Mỹ 1, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long. Các sản phẩm chủ yếu là cần xé, mê bồ, thúng, nia, rổ… Hiện nay, làng nghề được đổi mới công nghệ nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống làng nghề.
Nghề đan đát. (Ảnh Phan Thanh Cường)
Nghề mộc:
Đây là một nghề đã có lâu đời ở ấp Ninh Thạnh II, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân được lưu truyền qua các thế hệ. Từ những tấm gỗ thô, qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đã tạo nên những sản phẩm, nội thất rất đẹp như giường, tủ trà, tủ thờ… Đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và cả quốc tế.
Nghề mộc. (Ảnh Internet)
Nghề đan lưới:
Nghề đan lưới phát triển mạnh ở các huyện Đông Hải, thị xã Giá Rai và thành phố Bạc Liêu để phục vụ ngư dân trong việc đánh bắt thủy, hải sản. Với những ngư cụ bền, chắc, sản phẩm không chỉ phục vụ ngư dân trong tỉnh mà còn cung cấp cho các tỉnh lân cận.
Nghề đan lưới. (Ảnh Phan Thanh Cường)
Nghề làm bánh tráng:
Nghề làm bánh tráng thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân đã có rất lâu đời và được gìn giữ, lưu truyền cho đến ngày nay. Sản phẩm bánh tráng làm ra không chỉ phục vụ nhu cầu người địa phương mà còn cung cấp cho các tỉnh lân cận.
Nghề làm bánh tráng. (Ảnh Internet)
Nghề rèn:
Đã xuất hiện lâu đời tại thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân và phát triển mạnh những năm đầu thế kỷ XX. Nghề rèn đã tạo ra được nhiều nông cụ để phục vụ cho công cuộc khẩn hoang vùng đất Bạc Liêu thuở xưa, các công cụ phục vụ đời sống gia đình và sản xuất nông nghiệp.
Nghề rèn. (Ảnh Internet)
Nghề chằm lá:
Đây là nghề truyền thống lâu đời của người dân huyện Hồng Dân, nguyên liệu chính là lá dừa nước, sản phẩm làm ra phục vụ nhu cầu lợp nhà, che nắng, che mưa của người dân trong vùng. Dần dần sản phẩm lá chằm định hình, được người dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng và trở thành sản phẩm có giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường gần xa.
Nghề chằm lá. (Ảnh Internet)
Nghề làm bánh, kẹo:
Với các nguyên liệu phong phú và có sẵn, nghề làm bánh kẹo ở phường 2, phường 5, thành phố Bạc Liêu cũng khá phát triển, tạo nên sự đa dạng của các loại đặc sản địa phương. Có thể kể đến một số loại bánh kẹo như: Bánh pía, bánh in (Thái Can), bánh thèo lèo, bánh dẻo (Huỳnh Minh Thành), bánh củ cải Tiều, bánh củ cải,…
Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu còn có những làng nghề khác như: Nghề làm tương chao (phường 5, phường 7, thành phố Bạc Liêu), nghề làm bún, hủ tiếu, làm khô các loại… Đã tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt là làm phong phú thêm nét văn hóa truyền thống của vùng đất Bạc Liêu hoài cổ.
Nghề làm bánh, kẹo. (Ảnh Internet)
(Nguồn: Hướng dẫn du lịch Bạc Liêu)