Một trong những thế mạnh kinh tế của tỉnh và góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết nhiều việc làm chính là phát triển thương mại, dịch vụ.
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ hàng OCOP năm 2023. Ảnh: K.T
Với việc khuyến khích đầu tư và không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nên hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh cả về số lượng và quy mô. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2020-2022 luôn tăng trưởng ở mức cao với bình quân đạt trên 12%/năm.
Có được những kết quả quan trọng trên, do các doanh nghiệp không ngừng phát triển hạ tầng thương mại và phương thức hoạt động ngày càng đa dạng, phong phú gắn với tận dụng, khai thác các thế mạnh trong bán hàng online. Qua đó, bảo đảm cho việc hàng hóa được lưu thông ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân.
Bên cạnh đó, ngành quản lý và các địa phương cũng đã quan tâm đẩy mạnh công tác kết nối cung – cầu trao đổi mua bán sản phẩm và chú trọng các hoạt động dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thực hiện chuyển đổi số, tham gia các sàn thương mại điện tử…
Tuy nhiên, hoạt động thương mại vẫn chưa khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế vốn có. Ngoài các siêu thị có chiến lược quảng bá thương hiệu, kích cầu tiêu dùng thông qua các hoạt động khuyến mại, giới thiệu sản phẩm thì phần lớn các doanh nghiệp của tỉnh chưa quan tâm đến vấn đề này. Trong đó, nhiều doanh nghiệp xem Facebook là kênh chính để quảng bá sản phẩm theo kiểu bán hàng online mà quên đi những chiến lược cần có của một sản phẩm trên con đường hướng đến thương hiệu. Mặc dù các sản phẩm được rao bán trên các trang mạng xã hội luôn bị cảnh báo về chất lượng và đẩy người tiêu dùng vào cảnh hên – xui, thậm chí triệt buộc “nhận hàng rồi mới biết”!?
Một vấn đề đáng quan tâm khác là sản phẩm OCOP của tỉnh hiện nay cũng chưa quan tâm đến việc quảng bá thương hiệu nên chưa tạo được sức cạnh tranh và tính độc đáo của sản phẩm. Các sản phẩm OCOP phần lớn được kinh doanh theo kiểu thuần túy như “chợ quê” và nhiều sản phẩm đã không xây dựng được câu chuyện cho riêng mình. Như con tôm sinh thái được chế biến thành các sản phẩm OCOP thì tỉnh nào cũng có, nhưng để nuôi được con tôm sú theo quy trình sạch trên vùng đất phèn mặn gắn với văn hóa khai hoang, mở cõi và xóa nghèo từ con tôm thì không phải địa phương nào cũng có. Bởi người tiêu dùng hiện nay không chỉ có nhu cầu ăn ngon, mà còn muốn được trải nghiệm và thưởng thức giá trị văn hóa được kết tinh từ sản phẩm đó. Đây chính là lợi thế để tạo ra sức cạnh tranh riêng của các sản phẩm và phải thông qua quảng bá, truyền thông. Do vậy, trong chiến lược kinh doanh và mở rộng thị trường, các doanh nghiệp cần quan tâm và tăng cường đầu tư cho công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu và đây cũng là yêu cầu mang tính sống còn trong hội nhập nhanh và thời đại 4.0 hiện nay.
KIM TRUNG