Có thể nói, một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là phát huy vai trò và nguồn lực từ doanh nghiệp (DN). Song, với những tác động sâu sắc và ảnh hưởng từ suy giảm kinh tế toàn cầu như hiện nay đã kéo theo DN của tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn.
DN GẶP KHÓ
Xác định được tầm quan trọng của DN và không ngừng bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế, thời gian qua, Bạc Liêu đã tập trung thực hiện tốt công tác xúc tiến và mời gọi đầu tư. Đến nay, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 49 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 29.267 tỷ đồng và hơn 18 triệu USD.
Đặc biệt, công tác phát triển DN và kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) được quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Trong 2 năm qua, đã có gần 820 DN thành lập mới, nâng tổng số DN trên địa bàn toàn tỉnh đến nay hơn 2.640 DN và có tổng vốn đăng ký 39.550 tỷ đồng. Đồng thời, thành lập mới trên 80 HTX và 2 Liên hiệp HTX. Ngoài ra, Bạc Liêu còn thành lập các đoàn công tác đi xúc tiến và tìm cơ hội đầu tư ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…, cũng như triển khai nhiều chương trình hợp tác phát triển với TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều địa phương khác trong cả nước.
Chế biến thủy sản xuất khẩu – một trong những thế mạnh kinh tế hàng đầu của doanh nghiệp Bạc Liêu. Ảnh: K.T
Việc huy động các nguồn lực tuy được đẩy mạnh nhưng vẫn còn đạt khá thấp so với mục tiêu đề ra. Trong 2 năm qua, kế hoạch thành lập mới và phát triển DN của tỉnh chỉ đạt trên 40% chỉ tiêu nghị quyết. Thậm chí, ngay cả những địa phương có nhiều dư địa cho phát triển DN cũng không hoàn thành chỉ tiêu này. Như địa bàn TP. Bạc Liêu, trong 6 tháng đầu năm nay chỉ phát triển được thêm 42 DN, với tổng số vốn đăng ký 100 tỷ đồng và đạt 38,18% so với kế hoạch. Đáng quan tâm hơn là “sức khỏe” và “nguồn lực” của đội ngũ DN tỉnh nhà giảm khá mạnh và nhiều DN phải tuyên bố giải thể. Cụ thể là số DN rút khỏi thị trường cứ tăng đều theo hằng năm. Trong 2 năm 2021 – 2022, toàn tỉnh có hơn 660 DN rút khỏi thị trường và từ đầu năm 2023 đến nay cũng có gần 160 DN tiếp tục rút khỏi thị trường!
CẦN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ
Với mục tiêu đưa tỉnh đứng vào tốp khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước thì việc tiếp tục huy động và phát huy nguồn lực từ DN là yếu tố hàng đầu. Tuy nhiên, muốn thực hiện tốt giải pháp này, cần khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn năm 2050. Bởi đối với DN hay nhà đầu tư, quy hoạch chính là “kim chỉ nam” trong việc hoạch định chính sách, chiến lược và kế hoạch cho phát triển. Do vậy, việc quy hoạch chưa được phê duyệt và công bố chậm sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thu hút và mời gọi đầu tư. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho Bạc Liêu chưa thu hút được dự án động lực vào hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp hay phát triển các ngành nghề thế mạnh.
Một giải pháp khác cần được quan tâm hiện nay chính là tập trung xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho DN, nhất là môi trường đầu tư kinh doanh phải thật sự minh bạch, liêm chính và bình đẳng. Do phần lớn các DN của tỉnh có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp nên dễ bị tổn thương. Vì lẽ đó, sự hỗ trợ và chia khó phải mang tính “nuôi dưỡng” và tạo ra những động lực mới cho DN phát triển, đặc biệt là DN mới khởi nghiệp. Gắn với đó là tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tư nhân liên kết phát triển sản xuất và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất – kinh doanh.
Cùng với đó, chọn tăng cường đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông làm khâu đột phá, nhất là trong điều kiện Bạc Liêu nằm xa trung tâm các thành phố lớn và không nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả lựa chọn nhà đầu tư. Ưu tiên lựa chọn và ưu đãi đối với các dự án đầu tư nước ngoài có trình độ quản lý tốt, công nghệ hiện đại và có vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu…
TRẦN TRUNG