Đèo Giàng nằm trên Quốc lộ 3, giáp ranh giữa hai huyện Bạch Thông và Ngân Sơn. Nơi đây trong kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng vang dội và đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc.
Chiến công oanh liệt nơi địa danh lịch sử Đèo Giàng
Vang mãi chiến công nơi địa danh lịch sử Đèo Giàng
Đây là trận đánh có quy mô lớn nhất so với các trận phục kích đánh địch khác ở khu vực Đèo Giàng. Từ trận đánh này, ta đã rút được nhiều kinh nghiệm về chiến thuật phục kích cấp tiểu đoàn cho các trận phục kích địch trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Trận đánh này gắn liền với trận đánh đồn Phủ Thông, đã gây tiếng vang lớn, có tác dụng mạnh mẽ, cổ vũ, động viên lực lượng vũ trang trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần cùng nhân dân cả nước đánh bại mọi âm mưu phá hoại của thực dân Pháp tại chiến khu Việt Bắc. 9 giờ sáng ngày 12/12/1947, tại km số 187-188 Đèo Giàng – thuộc xã Lãng Ngâm (Ngân Sơn) có 01 đoàn xe cơ giới của địch gồm 22 chiếc xe tăng, xe thiết giáp, ô tô tải, xe jíp chở lính lọt vào trận địa phục kích của trung đoàn 165 (Trung đoàn Thủ đô). Trận phục kích là đoạn đường hiểm trở, một bên là núi cao, một bên là vực sâu. Ngay từ loạt đạn đầu của bộ đội ta, 1 xe ô tô của địch đã bị phá hủy, nhiều tên lính địch bị tiêu diệt. Sau ít phút dùng hỏa lực mạnh bắn thẳng vào đội hình địch, bộ đội ta ào ạt xung phong xuống mặt đường tiêu diệt địch. Kết quả trận đánh: Diệt tại chỗ 60 tên (trong đó có hai tên trung úy), phá hủy, đốt 17 xe cơ giới, thu 2 triệu đồng tiền Đông Dương và nhiều vũ khí quân trang, quân dụng.
Từ trận đánh vang dội này, Đèo Giàng đã trở thành địa danh lịch sử gắn liền với những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong chiến dịch phản công Việt Bắc – Thu Đông năm 1947. Di tích lịch sử Đèo Giàng trở thành niềm tự hào của quân đội nhân dân Việt Nam và quân dân Bắc Kạn.
Ngày 12/7/2001, Bộ Văn hóa – Thông tin ra Quyết định số 38/2001/QĐ-BVHTT công nhận và xếp hạng di tích lịch sử Chiến thắng Đèo Giàng xã Lãng Ngâm, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Ảnh tư liệu
Hiện nay, đoạn đường tại khu di tích Đèo Giàng đã thay đổi nhiều, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng một nhà bia kỉ niệm chiến thắng Đèo Giàng. Nhà bia được xây sát vách núi trên một khu đất rộng, có cửa sắt, tường rào bảo vệ. Nhà bia được xây dựng bằng bê tông cốt thép, mái làm theo kiểu cổ (Bốn mái đao, dán ngói mũi hài) trên bốn cột bê tông sơn màu giả gỗ, để trống bốn mặt. Bên trong có đặt bia kỉ niệm ghi lại chiến thắng Đèo Giàng năm 1947. Bia được làm bằng đá, mặt bia hướng ra đường quốc lộ 3. Nền nhà bia được xây bằng gạch, vữa xi măng, lát đá và trồng hoa trang trí. Đường lên nhà bia được xây bậc thang bằng gạch trát xi măng. Đối diện với nhà bia là công trình phù điêu lớn ghi dấu chiến công của quân và dân đã có công trong trận đánh tại Đèo Giàng, có khắc hình Ban Chỉ huy, quân và dân chuẩn bị cho trận chiến cùng với toàn cảnh trận chiến đấu ác liệt diễn ra tại Đèo Giàng. Bia dẫn tích và các hạng mục công trình phụ trợ kèm theo, kè xung quanh nền, trồng cây xanh tạo cảnh quan công trình. Các công trình được bố trí sát vách núi, quãng đường cong mới của Đèo Giàng đảm bảo khoảng cách an toàn giao thông.
Bia chiến thắng Đèo Giàng – Ảnh internet.
Tự hào quê hương cách mạng
Xã Lãng Ngâm (huyện Ngân Sơn) là địa phương gắn liền với những chiến công oanh liệt của quân và dân ta nơi địa danh Đèo Giàng. Toàn xã hiện có 652 hộ với 2.758 nhân khẩu. Phát huy truyền thống cách mạng, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua nhiều chương trình, dự án đầu tư, bộ mặt kinh tế xã hội của xã Lãng Ngâm có nhiều đổi thay tích cực.
Với điều kiện thuận lợi nằm dọc Quốc lộ 3 và tỉnh lộ 259, giao thông thuận tiện, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung chỉ đạo bà con nhân dân tích cực phát triển kinh tế – nông lâm nghiệp; đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng năng suất, sản lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bà con đã chủ động thực hiện luân canh tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương như: Trồng cây lạc, cây thuốc lá và ngô thay vì độc canh cây lúa như trước đây…
Kinh tế dần phát triển, đời sống của người dân từng bước được nâng lên. Hệ thống điện, đường, trường, trạm cơ bản đáp ứng được nhu cầu của bà con trong xã. Sức sống mới trên quê hương Lãng Ngâm trong thời kỳ hội nhập đã thay lời khẳng định niềm tin vững chắc của đồng bào vùng cao đối với Đảng, Bác Hồ./.