Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu thế phát triển tất yếu của ngành Nông nghiệp. Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030 tại Quyết định số 885/QĐ-TTg nhằm phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Dưa lưới của Hợp tác xã Dương Quang (thành phố Bắc Kạn) đạt tiêu chuẩn VietGAP
Theo Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến 2035” phê duyệt tại Quyết định số 2732/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh, chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, có 40% các sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực (gỗ, dược liệu, cam, quýt, hồng không hạt, trâu, bò, lợn, miến dong, chè) có truy suất nguồn gốc và đạt các tiêu chuẩn hữu cơ hoặc VietGap; 30% sản phẩm miến dong đạt tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ; 100% diện tích cây ăn quả được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm…
Theo Kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành tại Quyết định số 1984/QĐ-UBND ngày 20/10/2021 của UBND tỉnh, phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 1% tổng diện tích trồng trọt đối với các cây trồng chủ lực của tỉnh như lúa, cây ăn quả (mơ, hồng không hạt), dong riềng, chè, nghệ, hồi, quế, dược liệu…; tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 0,5% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi đối với các sản phẩm chăn nuôi chủ lực của tỉnh.
Cụ thể, sản xuất vùng lúa hữu cơ đạt khoảng 100 ha, tập trung ở huyện Chợ Đồn, Bạch Thông, Ba Bể và Ngân Sơn; vùng nghệ hữu cơ đạt khoảng 45 ha, tập trung ở huyện Pác Nặm và thành phố Bắc Kạn; vùng dong riềng hữu cơ đạt khoảng 70 ha, tập trung ở huyện Na Rì và Ba Bể; vùng chè Shan tuyết hữu cơ đạt khoảng 80 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Chợ Mới và Chợ Đồn; vùng cây ăn quả hữu cơ đạt khoảng 215 ha.
Đối với chăn nuôi hữu cơ, vùng chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò) đạt khoảng 800 con đến năm 2025, tập trung ở các xã Bành Trạch, Phúc Lộc, Cao Thượng và Thượng Giáo, huyện Ba Bể; xã Sơn Thành, huyện Na Rì; vùng chăn nuôi lợn bản địa đạt khoảng 600 con năm 2025 ở xã Trần Phú, huyện Na Rì, xã Yến Dương, huyện Ba Bể và xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm.
Vùng cây lâm sản và dược liệu hữu cơ, vùng hồi đạt khoảng 250 ha, tập trung ở các huyện Na Rì, Chợ Mới và Bạch Thông; vùng quế đạt khoảng 250 ha, tập trung ở các huyện Chợ Đồn, Chợ Mới, Na Rì; vùng dược liệu đạt khoảng 50 ha, tập trung ở các huyện Na Rì, Chợ Mới, Chợ Đồn, Na Rì và Bạch Thông.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp được cấp chứng nhận hữu cơ đến nay đạt 74,86 ha; diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ đạt 992,58 ha, diện tích nghệ sản xuất theo hướng hữu cơ đạt 40 ha. Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia sản xuất, chế biến sản phẩm hữu cơ. Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh cũng đã hỗ trợ xây dựng mới và duy trì 13 mô hình sản xuất theo quy trình hữu cơ, chế biến các sản phẩm hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm, điển hình là trà bí thơm, miến dong, gạo Nếp Tài.
Tham quan mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Yên Phong (Chợ Đồn)
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn (được sửa đổi tại Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 17/7/2020); Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 27/4/2022 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, trong đó có các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 05/2020/QĐ-UBND ngày 4/6/2020 quy định nội dung, mức hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt…
Tuy nhiên, trong thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay gặp nhiều khó khăn như quy mô sản xuất hộ nhỏ lẻ, diện tích manh mún nên khó hình thành vùng sản xuất tập trung để sản xuất hữu cơ; người dân chưa quen với quy trình chặt chẽ trong sản xuất hữu cơ, sản phẩm hữu cơ chủ yếu là bán thô chưa được chế biến nên giá trị chưa cao; chuỗi liên kết giữa người nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp về tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chưa bền vững. Đặc biệt, trong phát triển chăn nuôi hữu cơ khó thực hiện vì đòi hỏi nhiều tiêu chí như con giống hữu cơ, thức ăn hữu cơ, các yếu tố về đất, đồng cỏ, bãi chăn thả, chăm sóc nuôi dưỡng, phòng bệnh,… cùng với chi phí sản xuất cao và khó phát triển với quy mô lớn, trong khi giá bán các sản phẩm chăn nuôi hữu cơ không cao hơn so với sản phẩm thông thường nên ảnh hưởng đến tâm lý của của người chăn nuôi trên địa bàn. Bên cạnh đó, năng lực quản lý, điều hành của nhiều hợp tác xã còn yếu, chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh, không duy trì được vùng nguyên liệu ổn định, khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường ngoài tỉnh.
Vì vậy, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp hữu cơ. Tham mưu thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách như khuyến khích ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trồng trọt; chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức về phát triển nông nghiệp hữu cơ cho đội ngũ quản lý, người sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm nghiệp và người tiêu dùng. Vận động nông dân, hợp tác xã mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ; đầu tư chế biến các sản phẩm hữu cơ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm. Chú trọng hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư đầu vào phục vụ sản xuất (giống, thức ăn, thuốc,…), cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ theo quy định. Đẩy mạnh quảng bá cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, hỗ trợ các hợp tác xã xúc tiến, quảng bá sản phẩm tham gia hội chợ xúc tiến thương mại, trên sàn thương mại điện tử…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây cũng đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, lựa chọn Bắc Kạn thực hiện các mô hình thí điểm sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn theo Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 5317/QĐ-BNN-CBTTNS ngày 28/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phát huy thế mạnh về sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh./.
Nguồn: https://backan.gov.vn/Pages/tung-buoc-phat-trien-nong-nghiep-huu-co-huong-den–a3a4.aspx