Để bảo vệ quyền lợi của các nhà giáo, vào tháng 7/1946, Liên hiệp Quốc tế các Công đoàn giáo giới được thành lập ở Pari (Pháp). Năm 1954, với nòng cốt là các nhà giáo xã hội chủ nghĩa đã nhất trí thông qua bản “Hiến chương các Nhà giáo”. Hội nghị quốc tế các nhà giáo lần thứ 2 (tháng 8/1957) đã quyết định lấy ngày 20/11 hằng năm là “Ngày quốc tế Hiến chương các Nhà giáo”.
Ở Việt Nam, ngày 20/11/1958, lần đầu tiên ngày “Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo” được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta.
Để thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với đội ngũ giáo viên, theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đâò tạo, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Quyết định số 167-HĐBT ngày 28/9/1982, nêu rõ: Hằng năm sẽ lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam.
Ngày 20/11/1982, lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trọng thể trong cả nước. Đến nay tròn 42 năm, đây là ngày truyền thống của ngành Giáo dục Việt Nam.
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, giáo dục luôn đóng vai trò quan trọng như một trụ cột cơ bản của việc xây dựng và vun đắp cho nền văn hiến lâu đời của đất nước. Trải qua các thời kỳ lịch sử, nền giáo dục nước ta đã phải đương đầu với âm mưu xâm lược và đồng hóa của kẻ thù, song vẫn giữ được những truyền thống dân tộc tốt đẹp, tiếp thu văn minh nhân loại.
Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hàng ngàn thầy, cô giáo nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc sẵn sàng rời xa mái trường thân yêu, xa gia đình, xa bục giảng, xếp bút nghiên, cầm súng lên đường bảo vệ Tổ quốc. Các nhà giáo đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, khốc liệt của cuộc chiến tranh, chiến đấu anh dũng và nhiều nhà giáo đã hy sinh xương máu cho nền độc lập của dân tộc.
Sau chiến thắng năm 1975, những thầy, cô giáo đã trở về quê hương, tiếp tục với sự nghiệp “trồng người”. Nhiều thầy, cô giáo trực tiếp đứng trên bục giảng, được đề bạt làm cán bộ quản lý các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành Giáo dục và Đào tạo. Dù ở cương vị nào, các nhà giáo vẫn luôn tâm huyết, cống hiến, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp phát triển giáo dục. Các thế hệ nhà giáo luôn yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có ý chí vươn lên, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp dạy học; từng bước đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong thời kỳ đổi mới, hàng triệu nhà giáo đang lặng lẽ, miệt mài ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” trên khắp mọi miền đất nước. Thật đáng khâm phục những thầy, cô giáo bền bỉ băng suối, vượt đèo, gác lại nỗi nhớ nhà, để “cõng chữ” lên vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới hải đảo. Những nhà giáo mang theo lòng yêu nghề, đức hy sinh và tình yêu học trò, kiên trì “cắm bản”, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào, điển hình như cô giáo Lầu Y Pay (Nghệ An), thầy Vũ Văn Tùng (Gia Lai), cô Phạm Thị Hồng (Yên Bái)…
Một giờ học của cô và trò Trường Mầm non Phương Thông, huyện Bạch Thông |
Tiếp nối truyền thống Ngày Nhà giáo Việt Nam, những năm qua, các thế hệ nhà giáo tỉnh Bắc Kạn đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện, trở thành những tấm gương sáng của các em học sinh. Điển hình như cô giáo Phạm Thị Bách – Giáo viên Trường Mầm non Thượng Giáo, huyện Ba Bể và cô giáo Nguyễn Thị Nụ – Giáo viên Trường THPT Chuyên Bắc Kạn. Các cô đã được tham dự Lễ tuyên dương, được tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ và tham dự Chương trình Tổng Bí thư gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Những đóng góp, cống hiến của các nhà giáo góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn của tỉnh. Những năm gần đây, số lượng và chất lượng các giải đạt được trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia ngày một tăng. Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023 – 2024, tỉnh Bắc Kạn đoạt 18 giải, đây cũng là năm tỉnh có học sinh đoạt giải ở tất cả các môn tham gia dự thi. Tính từ năm học 2020 – 2021 đến nay, cả tỉnh có 44 giải học sinh giỏi quốc gia, vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong những năm gần đây, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đều đạt trên 97%, vượt chỉ tiêu tỉnh giao (trên 90%).
Là tỉnh miền núi, công tác giáo dục vẫn còn đó những khó khăn, song toàn Ngành đang ra sức phấn đấu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, có trình độ chuyên môn cao, có phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác; triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, tinh gọn mạng lưới trường, lớp, thực hiện hiệu quả công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.
Cùng với sự nỗ lực của toàn Ngành, mỗi thầy, cô giáo – những “người đưa đò” vẫn đang ngày đêm tâm huyết, tận tụy với sự nghiệp “trồng người”. Theo cô giáo Nguyễn Thị Len – Giáo viên Trường Tiểu học và THCS Dương Sơn, huyện Na Rì, ngôi trường nơi cô công tác còn có nhiều khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, thiếu nước sinh hoạt, nhận thức của học sinh chưa đồng đều, song bản thân cô luôn cố gắng khắc phục, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tự làm đồ dùng dạy học để mang lại cho các em những giờ học hấp dẫn và bổ ích…
Đất nước ta ngày càng đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, do vậy đòi hỏi một nguồn nhân lực chất lượng cao. Để đáp ứng yêu cầu đó, sự nghiệp giáo dục và đào tạo với vị trí, vai trò là quốc sách hàng đầu tiếp tục được đề cao, vai trò của người thầy càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết./.
Nguồn: https://backan.gov.vn/Pages/tu-hao-hai-tieng-nguoi-thay-9b8b.aspx