Ông Hoàng Văn Bách, Chủ tịch UBND xã Đại Sảo cho biết, từ hơn chục năm trước, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng theo các chương trình, dự án, trong đó chú trọng phát triển diện tích trồng quế. Đến nay, Đại Sảo có gần 400ha quế, tập trung nhiều ở các thôn Nà Ngà, Nà Luông, Nà Khảo…
Thông thường, sau khi trồng được khoảng 5 đến 6 năm, người dân đã bắt đầu khai thác tỉa, có thu nhập từ cây trồng này. Vừa đập, tách vỏ quế từ các cành khai thác tỉa ở vườn quế của gia đình, ông Bùi Văn Uyên ở thôn Nà Ngà vừa vui vẻ cho biết: “Gia đình tôi trồng hơn 3ha quế, phần lớn diện tích được trồng trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2015. Thực tế cho thấy, cây quế đem lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với các cây trồng khác. Chỉ tính việc khai thác tỉa, từ đầu năm đến nay gia đình đã có thu nhập hơn 30 triệu đồng từ bán vỏ quế”.
Phần lớn trong tổng số 81 hộ dân ở thôn Nà Ngà đều trồng quế, diện tích trồng quế của thôn là hơn 200ha, nhiều nhất xã. Theo anh Bùi Đức Cảnh, Trưởng thôn Nà Ngà, hiện thương lái thu mua của người dân trung bình 16.000 đồng/kg vỏ quế tươi. Mức giá này có giảm hơn so với trước đây, nhưng vẫn đem lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ dân, cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác.
Anh Bùi Đức Cảnh cho biết thêm, trong thôn nhiều hộ có thu nhập khá từ cây trồng này do có diện tích lớn và cây lâu năm như: Nguyễn Văn Sính, Bùi Văn Tuyến… Cây quế góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho các hộ dân, đến nay toàn thôn chỉ còn 12 hộ trong diện hộ nghèo.
Quá trình trao đổi cùng chúng tôi, các hộ dân ở thôn Nà Ngà cho biết, quế là cây lâm nghiệp dễ trồng, dễ chăm sóc. Giá vỏ quế thị trường mua khá cao, có thời điểm lên tới hơn 30.000 đồng/kg tươi. Đặc biệt, cây phù hợp trên đất thịt pha cát, có độ tơi xốp, phát triển nhanh nếu được chăm sóc đúng kỹ thuật. Thông thường, người dân sẽ khai thác 2 vụ/năm, mỗi vụ thường kéo dài từ 2 đến 3 tháng. Về cơ bản, tất cả các bộ phận của cây quế đều được thương lái thu mua, từ vỏ, thân cây đến cành, lá. Hiệu quả kinh tế từ cây trồng này đem lại là rất tích cực, vì thế, các hộ dân đều cho rằng sẽ tiếp tục trồng trong thời gian tới.
Lãnh đạo xã Đại Sảo cho biết, nhiều hộ dân trên địa bàn có thu nhập cao từ cây quế, như: Ông Phạm Bá Lanh, ông Phạm Văn Uyển cùng ở thôn Nà Ngà; ông Đặng Trần Oanh ở thôn Bản Sáo, ông Nguyễn Đình Chiến ở thôn Nà Luông… Cây quế đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống cho người dân địa phương, giúp nhiều hộ làm được nhà khang trang, mua sắm được nhiều tài sản có giá trị. Kết thúc năm 2023, Đại Sảo còn 97/551 hộ nghèo, giảm được 5,8% so với năm 2022, vượt chỉ tiêu đề ra, kết quả này có phần đóng góp tích cực từ cây quế.
“Với hiệu quả kinh tế thu được từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng/ha quế, thậm chí cao hơn tùy thời điểm, cây quế đã và đang khẳng định là cây trồng đem lại thu nhập cao. Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ tích cực tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng quế để nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương”, ông Hoàng Văn Bách, Chủ tịch UBND xã Đại Sảo cho biết thêm./.