Những năm gần đây, diện mạo đô thị của thành phố Bắc Kạn đã được đầu tư và có nhiều đổi mới; đời sống mọi mặt của người dân từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, các công trình dự án lớn, trọng điểm để phục vụ nhu cầu du lịch, vui chơi, giải trí của người dân vẫn còn thiếu…
Đường Thanh Niên nằm ven sông Cầu, nhìn từ trên cầu Đội Kỳ. |
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu “Xây dựng thành phố Bắc Kạn trở thành đô thị xanh – sạch – văn minh, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại II”. Thành phố đặt ra mục tiêu đến năm 2030 đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. Muốn vậy, TP. Bắc Kạn cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên địa bàn. Việc xây dựng tuyến phố đi bộ, khu phố ẩm thực chính là giải pháp quan trọng và cần thiết.
Cuối năm 2022, sau khi khảo sát hiện trường và nghe các đơn vị liên quan báo cáo, đồng chí Đinh Quang Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Bắc Kạn và các sở, ngành liên quan tổng hợp đề án tuyến phố đi bộ và đề án tổ chức hội chợ phiên…
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Bắc Kạn đang tích cực khảo sát, nghiên cứu phương án để phối hợp xây dựng Đề án xây dựng tuyến phố đi bộ.
Khi được biết tỉnh đang có dự kiến xây dựng tuyến phố đi bộ và khu ẩm thực, nhiều người dân tỏ thái độ đồng tình, nhất trí cao. Một số cán bộ và Nhân dân còn hiến kế để tỉnh và thành phố chọn đường Thanh niên (phường Sông Cầu), đường đê bao Bắc Sông Cầu, thôn Phặc Tràng, xã Dương Quang để xây dựng tuyến phố đi bộ, khu phố ẩm thực.
Đường Thanh niên và đường đê bao Bắc Sông Cầu có vị trí đẹp, nằm bên dòng sông Cầu. |
Những ý kiến này có cơ sở và khá hợp lý với thực tiễn thành phố. Khu vực đường Thanh niên từ tổ 1 đến tổ 10 phường Sông Cầu dài khoảng 800m. Là con đường có không gian đẹp, sát bờ sông Cầu, kết nối với đường Võ Nguyên Giáp, cầu Đội Kỳ và đường Bắc Sông Cầu, khu vực quảng trường Trung tâm Văn hóa tỉnh.
Lâu nay trên đường này đã hình thành phố ăn uống khá sầm uất. Tuy nhiên đường này có lưu lượng người qua lại lớn nên hoạt động kinh doanh ăn uống đôi khi gây cản trở giao thông. Không những vậy, hàng quán ki-ốt thiết kế không đồng nhất, che khuất tầm nhìn sông Cầu từ phía trung tâm thành phố.
Đường Thanh Niên, nơi đang tập trung nhiều hàng quán dịch vụ ăn uống. |
Đối diện đường Thanh niên, phía bên kia sông là đường Bắc Sông Cầu. Con đường này xuất phát từ cầu Phà, chạy dọc bờ sông và dẫn vào hồ chứa nước Nặm Cắt. Nơi đây không gian thoáng đãng, trong lành, xa khu đông dân cư. Do đường Thanh Niên đã bị nhiều hàng quán dựng lên, chiếm dụng vỉa hè, nên dù xa hơn nhưng người dân vẫn vượt cầu Đội Kỳ sang đây để đạp xe, đi bộ hằng ngày.
Theo ông Nguyễn Duy Dân, Trưởng thôn Phặc Tràng, xã Dương Quang, TP. Bắc Kạn, việc đầu tư, quy hoạch tuyến phố đi bộ, phố ẩm thực là rất cần thiết. |
Đồng quan điểm trên, ông H.T.G, cán bộ hưu trí tại phường Phùng Chí Kiên cho rằng, “việc quy hoạch các đoạn đường dọc sông Cầu ở hai bên cầu Đội Kỳ để làm phố đi bộ, khu ẩm thực là rất hợp lý. Một đô thị phát triển không thể thiếu không gian mang tính cộng đồng. Khi đi vào hoạt động, vào các buổi tối thứ 6, thứ 7 hằng tuần, thành phố hoặc các tổ chức đoàn thể tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch, thương mại đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí, mua sắm của Nhân dân, du khách… vừa làm phong phú đời sống, tạo nét đặc sắc thu hút du lịch, vừa giúp tăng nguồn thu cho ngân sách”.
Theo ông Trần Đình Thất, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Việc xây dựng Đề án đang được Sở gấp rút nghiên cứu, tham mưu. Để có được những công trình phố đi bộ, phố ẩm thực… tỉnh, ngành chức năng và thành phố Bắc Kạn còn rất nhiều việc phải làm, như: Cần chọn ra được thiết kế, quy hoạch phù hợp, được sự đồng thuận cao của người dân; cùng với đó là đầu tư cải tạo, tu bổ nhà cửa, vỉa hè; bố trí điểm dừng, đỗ xe ô tô, xe máy một cách hợp lý, khoa học; đầu tư không gian tổ chức sự kiện, hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật”…
Trao đổi thêm về nội dung này, ông Nguyễn Duy Diệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn cho hay: “TP. Bắc Kạn có sẵn các điểm du lịch tâm linh – tín ngưỡng nổi tiếng như Đền Cô, Đền Mẫu; điểm danh lam thắng cảnh hồ Nặm Cắt, động Áng Toòng; di tích lịch sử như Hội trường tám mái, Khuổi Cuồng, Khu nhà công sứ, nhà Hội đồng Pháp… Ban ngày, du khách đến các điểm tham quan, ngắm cảnh, chiêm bái. Buổi tối, phố đi bộ sẽ là điểm đến để du khách giải trí, mua sắm, thưởng thức văn hóa nghệ thuật bản địa. Phố ẩm thực sẽ là nơi để du khách ăn uống, thưởng thức nét độc đáo ẩm thực truyền thống của địa phương… Do vậy, thành phố Bắc Kạn sẽ tích cực phối hợp với các ngành chuyên môn để sớm triển khai phố đi bộ, phố ẩm thực trên địa bàn trong thời gian sớm nhất”.
Tại cuộc kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2023, diễn ra sáng 13/7/2023, đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thành phố Bắc Kạn sớm phối hợp với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch lên phương án thí điểm phố đi bộ để tạo động lực cho kinh tế du lịch phát triển. Chủ trương của lãnh đạo tỉnh là điều kiện thuận lợi để Đề án xây dựng phố đi bộ, phố ẩm thực tại thành phố Bắc Kạn sớm trở thành hiện thực, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa, giải trí, trải nghiệm của người dân và du khách./.
————————————————————–
(Mời quý độc giả nêu ý kiến đóng góp ở phần bình luận, về việc quy hoạch không gian cộng đồng, xây dựng tuyến phố đi bộ, phố ẩm thực tại thành phố Bắc Kạn).