Khách hàng giao dịch tại Trụ sở Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh có sự cải thiện tích cực so với các tháng đầu năm cũng như cùng kỳ năm ngoái. Tín dụng tiếp tục hướng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tín dụng tiêu dùng phục hồi. Đến hết ngày 30/9, tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 14.521 tỷ đồng, tăng 13% so với 31/12/2023, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu đến 30/9/2024 là 310 tỷ đồng, chiếm 2,14% trong tổng dư nợ. Dư nợ cấp tín dụng đang có xu hướng tăng khá cao do các ngân hàng tích cực giải ngân vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu mở rộng vốn trong hoạt động sản xuất và kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; nợ xấu đang có xu hướng giảm. Ước thực hiện đến 31/12/2024, tổng huy động vốn đạt 17.444 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ; tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 15.270 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ; tỷ lệ nợ xấu đạt 150 tỷ đồng, chiếm 0,98% trong tổng dư nợ.
Các chương trình tín dụng ngân hàng đã và đang được triển khai, thực hiện hiện quả. Đến 30/9, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn là 6.415 tỷ đồng, chiếm 44% trong tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn; dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 3.095 tỷ đồng, chiếm 28% trong tổng dư nợ của các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn; dư nợ tín dụng chính sách của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội là 3.376 tỷ đồng.
Thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ, khắc phục ảnh hưởng của cơn bão số 3, các ngân hàng thương mại cũng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 29 khách hàng bị thiệt hại, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn là 25 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay đối với 96 khách hàng, dư nợ được miễn giảm, lãi 294,7 tỷ đồng; cho vay mới 7 khách hàng bị ảnh hưởng với 1,5 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tạm dừng thu lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bão số 3 đến hết năm 2024, thực hiện các thủ tục rà soát để trình xử lý nợ bị rủi ro do thiên tai, báo cáo nhu cầu vốn để tiếp tục cho vay khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp cần vốn để đẩy mạnh hoạt động sản xuất – kinh doanh nên cầu vốn trong nền kinh tế sẽ tăng cao. Vì vậy, nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh những chính sách huy động vốn để nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu tín dụng được dự báo tăng mạnh trong quý VI/2024. Cùng với đó là triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh, tập trung vào chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, chương trình cho vay 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; mở rộng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”; tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo đúng quy định; thực hiện các biện pháp khắc phục bão lụt, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh…
Các đơn vị, địa phương của tỉnh cũng tiếp tục triển khai chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất. Đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ khó khăn và phát triển bền vững thị trường bất động sản. Giữ ổn định, phù hợp giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, tránh tác động đồng thời, cộng hưởng đến lạm phát trong nước và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp./.
Nguồn: https://backan.gov.vn/Pages/thuc-day-tang-truong-tin-dung-dap-ung-nhu-cau-von–7996.aspx