Hồ Ba Bể là điểm ưu tiên hàng đầu trong định hướng chiến lược phát triển du lịch sinh thái của Bắc Kạn
Du lịch sinh thái được xác định là sản phẩm đặc thù, chủ lực của du lịch Bắc Kạn. Trong đó, Vườn Quốc gia Ba Bể với những nét đặc trưng tự nhiên riêng biệt trên núi đá vôi, mang nhiều giá trị về cảnh quan độc đáo và đa dạng sinh học được chọn là điểm ưu tiên hàng đầu trong định hướng chiến lược phát triển du lịch sinh thái của Bắc Kạn. Các hoạt động du lịch tại đây chủ yếu bao gồm tham quan bằng thuyền trên hồ Ba Bể, sông Năng, tham quan thác Đầu Đẳng, ao Tiên, động Puông, động hua Mạ, đảo An Mạ, đảo Bà Góa…
Khi đi du lịch, bên cạnh nhu cầu tham quan danh lam thắng cảnh tại điểm đến, du khách còn mong muốn được khám phá văn hóa bản địa, trải nghiệm các hoạt động trong đời sống thường nhật của người dân địa phương, điều này đã góp phần thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển tại các khu vực xung quanh danh thắng hồ Ba Bể. Trong quá trình trải nghiệm tại các bản làng thuộc xã Nam Mẫu, Khang Ninh, Quảng Khê…, du khách có cơ hội tham gia vào những hoạt động truyền thống như dệt vải, làm và thưởng thức các món ăn dân dã như xôi ngũ sắc, cá nướng hồ Ba Bể, thịt trâu gác bếp…, cùng hòa mình vào các làn điệu hát sli, slượn, múa bát, nhảy sạp.
Ngoài khu vực hồ Ba Bể, hiện trên địa bàn tỉnh cũng hình thành một số mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hình thức homestay, farmstay và manh nha một số nông trại có kết hợp dịch vụ trải nghiệm nông nghiệp cho du khách. Khi đến các mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm, du khách được hòa mình vào thiên nhiên, được tự tay trồng và thu hoạch hoa, quả… Từ đó, góp phần phát triển, quảng bá du lịch, giải quyết được bài toán đầu ra cho các loại nông sản với giá cao hơn so với sản phẩm cùng loại trên thị trường, giúp hộ dân làm giàu chính đáng.
Anh Nông Thanh Nhã – Giám đốc Hợp tác xã Dương Quang, một trong những hộ đầu tiên phát triển mô hình nông nghiệp trải nghiệm ở thành phố Bắc Kạn cho biết, triển khai mô hình nông nghiệp trải nghiệm, người nông dân sẽ hưởng “lợi kép”. Thời gian qua, mô hình nông nghiệp của Hợp tác xã Dương Quang thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đặc biệt là trẻ nhỏ rất thích thú khi được tự tay hái hoa, hái quả; còn người lớn thì yên tâm mua được những sản phẩm nông sản sạch về ăn, làm quà khi biết rõ nguồn gốc xuất xứ.
Du khách tham gia hái hoa cúc chi tại mô hình nông nghiệp trải nghiệm của Hợp tác xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn
Mặc dù có nhiều tiềm năng, thế mạnh, song hoạt động du lịch sinh thái, trải nghiệm và du lịch cộng đồng ở Bắc Kạn chủ yếu vẫn mang tính tự phát. Hình thức hoạt động chủ yếu là tham quan thắng cảnh, mức độ tham gia của cộng đồng vẫn chỉ ở mức cung cấp một phần các dịch vụ lưu trú. Tại những nơi này chưa có các hoạt động mua sắm, vui chơi giải trí; chưa tự tổ chức, tạo dựng các sản phẩm du lịch trọn gói, hấp dẫn khách du lịch và lập trình cho các tuyến, tour, chương trình du lịch bản địa. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, mất cân đối và thiếu đồng bộ; chưa xây dựng được sản phẩm du lịch đặc thù riêng của tỉnh. Tỉnh chưa có quy hoạch xây dựng chi tiết tại các khu, điểm du lịch nên việc thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch chưa hiệu quả. Việc phát huy giá trị, đưa các di tích lịch sử văn hóa vào phát triển du lịch chưa thực sự hiệu quả…
Ông Trần Công Định, du khách đến từ thành phố Thái Nguyên chia sẻ: “Rất lâu rồi tôi mới có dịp quay lại hồ Ba Bể. Giao thông từ đến hồ đã thuận lợi hơn rất nhiều. Hy vọng tới đây, cao tốc Chợ Mới – thành phố Bắc Kạn được xây dựng, kết nối với tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể hoàn thành sẽ tạo lực đẩy cho hoạt động du lịch của địa phương sôi động hơn. Tôi cũng hy vọng Bắc Kạn xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch độc đáo hơn, để có thể thu hút và giữ chân được du khách lưu trú lâu hơn tại địa phương”.
Để tăng lượng khách đến Bắc Kạn, tăng doanh thu từ dịch vụ du lịch tương xứng với tiềm năng, giá trị tài nguyên du lịch của tỉnh, Bắc Kạn đang tập trung thực hiện các giải pháp nhằm củng cố, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa… Hiện nay, các đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục hỗ trợ cải tạo không gian cảnh quan tại bản Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể; xây dựng, nâng cấp chợ đêm và không gian trải nghiệm văn hóa truyền thống tại bản Pác Ngòi; đầu tư nâng cấp, cải tạo một số tuyến du lịch đi bộ đặc trưng trong rừng nguyên sinh Vườn Quốc gia Ba Bể kết hợp với tuyến tuần tra bảo vệ rừng; đầu tư, khai thác phát triển hang Thẳm Phầy, xã Hoàng Trĩ phục vụ phát triển du lịch; đầu tư cải tạo, nâng cấp cảnh quan, môi trường một số điểm tham quan Khu du lịch Ba Bể; đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí phục vụ du lịch.
Theo khảo sát của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh có khoảng 25 địa điểm có thể phát triển du lịch cộng đồng, phân bố ở tất cả các huyện, thành phố, trong đó tập trung nhiều nhất ở các huyện Ba Bể, Na Rì, Chợ Ðồn… Để du lịch cộng đồng phát triển, Bắc Kạn đang áp dụng nhiều giải pháp thiết thực nhằm khuyến khích cộng đồng cùng tham gia làm du lịch. Tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung đầu tư, xây dựng các công trình kiến trúc độc đáo mang bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường và phù hợp với văn hoá truyền thống của địa phương; xây dựng điểm thông tin du lịch, gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm phục vụ khách du lịch; xây dựng không gian cảnh quan tạo điểm nhấn đặc trưng để chụp ảnh và trải nghiệm; tổ chức các lễ hội truyền thống tạo sự kiện thu hút khách du lịch; đầu tư hệ thống xử lý chất thải và rác thải, tái tạo cảnh quan; đào tạo kỹ năng phục vụ du lịch tại cộng đồng…
Hiện nay, Nhân dân tại các điểm du lịch nói chung và 3 thôn được hỗ trợ và phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng theo Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND ngày 23/10/2023 của HĐND tỉnh, gồm thôn Cọn Poỏng, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn; thôn Bản Chiêng, xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông; thôn Khuân Bang, xã Như Cố, huyện Chợ Mới… cũng tích cực tham gia vào cải tạo, sửa chữa nhà ở truyền thống, mua sắm thiết bị, vật dụng để hoạt động kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê; phát triển dịch vụ ẩm thực của đồng bào dân tộc phục vụ du khách; đầu tư cho các đội văn nghệ; sản xuất các sản phẩm nông nghiệp truyền thống trên cơ sở ứng dụng công nghệ sản xuất sạch để phục vụ phát triển du lịch bền vững./.
Nguồn: https://backan.gov.vn/Pages/tap-trung-phat-trien-san-pham-du-lich-dac-trung-da47.aspx