Toàn cảnh Diễn đàn Khuyến nông @nông nghiệp năm 2024 |
Với địa hình, địa chất thổ nhưỡng, khí hậu đặc trưng nên tỉnh Bắc Kạn có nhiều loài dược liệu quý và dược liệu tiềm năng với hơn 1.000 loài cây thuốc trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế và giá trị bảo tồn cao như bình vôi, hà thủ ô, khôi nhung tía, ba kích, cát sâm, đẳng sâm, kê huyết đằng… đặc biệt, có 52 loài đã đưa vào sách đỏ Việt Nam.
Trong thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp/hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham gia vào hoạt động sản xuất, chế biến dược liệu và tạo được chỗ đứng trên thị trường, góp phần giải quyết công ăn, việc làm cho người dân ở các vùng khó khăn. Điển hình như Hợp tác xã Văn Lang HT, Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành, Công ty TNHH Nhà máy Curcumin Bắc Hà, Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn, Công ty TNHH MTV Đông Nam Việt… Ngoài ra, các hộ gia đình cũng tham gia trồng cây quế, hồi tại các huyện Bạch Thông, Chợ Mới, Na Rì; ba kích, hà thủ ô đỏ, đinh lăng tại các huyện Bạch Thông, Na Rì, Chợ Đồn; cát sâm, đẳng sâm tại huyện Chợ Đồn…
Hoạt động phân phối, tiêu thụ dược liệu và sản phẩm dược liệu tại các địa phương trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Dược liệu thô chủ yếu được bán cho các đầu mối trong và ngoài tỉnh thu gom với giá trị thấp, không ổn định. Một số cơ sở đã có hệ thống phân phối là các đại lý tại các tỉnh/thành phố khác trong cả nước, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử nhưng không nhiều.
Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ những khó khăn, hạn chế trong phát triển sản xuất và liên kết tiêu thụ lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu tại địa phương như: Việc khai thác lâm sản ngoài gỗ chủ yếu tận dụng từ rừng tự nhiên được giao, quản lý, bảo vệ, chưa có sự tác động trồng, chăm sóc, thu hoạch theo quy trình; lâm sản ngoài gỗ được khai thác và bán cho các thương lái dưới dạng thô, chưa qua chế biến; việc xây dựng hệ thống các chuỗi giá trị với sự tham gia một cách đầy đủ và lâu dài của người dân; việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển dược liệu chưa được chú trọng đúng mức; các cơ sở, sản xuất thiếu vốn để sản xuất, xây dựng đại lý…
Là chủ một hợp tác xã đang hoạt động có hiệu quả với hơn 40 đại lý trong nước, đã ký kết hợp đồng cung cấp cho các đối tác 250 tấn nghệ sấy lát, 150 tấn bột nghệ và 70 tấn tinh bột nghệ, chị Nguyễn Thị Hồng Minh – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành chia sẻ, để có được những kết quả tích cực như vậy, Hợp tác xã thường xuyên củng cố bộ máy tổ chức, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, lựa chọn các mục tiêu xây dựng mô hình phù hợp với điều kiện thực hiện của Hợp tác xã; chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường, có chiến lược và kế hoạch marketing, xúc tiến thương mại sản phẩm cụ thể; không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đổi mới công nghệ chế biến; thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị…
Theo chị Nguyễn Thị Oanh – Giám đốc Công ty TNHH MTV Đông Nam Việt – đơn vị chủ trì liên kết thực hiện Dự án “Đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý tại huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn”, để làm giàu, phát triển kinh tế từ cây dược liệu, các đơn vị chức năng và chính quyền các cấp cần thực hiện tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng; tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các quy định về khai thác và phát triển các loài dược liệu dưới tán rừng, khai thác đi đôi với bảo tồn để phát triển bền vững; có chính sách phù hợp để phát triển lâm sản ngoài gỗ; xây dựng các chuỗi giá trị…
Các đại biểu cũng đã có nhiều kiến nghị về định hướng phát triển sản xuất cây trồng phù hợp để người dân làm giàu từ rừng; hỗ trợ các hợp tác xã về vốn sản xuất; hỗ trợ liên kết, bao tiêu sản phẩm lâm sản ngoài gỗ, dược liệu; kế hoạch bảo tồn các cây dược liệu quý; thủ tục cấp phép giống cây đưa vào sản xuất; bổ sung một số loài cây vào danh mục cây trồng của tỉnh… Các ý kiến, kiến nghị đã được Ban Cố vấn Diễn đàn trao đổi trực tiếp.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Duy Diệp cho biết, nhận thấy tiềm năng, lợi thế phát triển lâm sản ngoài gỗ, đặc biệt là cây dược liệu tại của địa phương, trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện nhiều chương trình, đề tài, dự án phát triển dược liệu, đồng thời ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó có dược liệu. Tuy nhiên, việc phát triển lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu ở Bắc Kạn vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng, do vậy đòi hỏi các chính quyền và người dân chung tay bảo tồn và phát triển bền vững lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu, gắn sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị của sản phẩm lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu, coi đây là một trong những nguồn thu nhập chính từ rừng của địa phương.
Diễn đàn khuyến nông @nông nghiệp là cơ hội để các doanh nghiệp biết đến các sản phẩm nông nghiệp lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu của địa phương; giúp kết nối, liên kết, đầu tư phát triển sản xuất trong việc thu mua, chế biến sản phẩm lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu tại tỉnh Bắc Kạn; giúp người dân tiếp cận được với những thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Từ đó làm cơ sở mở rộng phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu theo hướng hàng hóa tập trung, tạo ra các sản phẩm năng suất chất lượng góp phần nâng cao thu nhập; giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu, đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân. Các ý kiến, kiến nghị tại Diễn đàn được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu, tổng hợp báo cáo tỉnh và các cơ quan Trung ương có liên quan xem xét./.
Nguồn: https://backan.gov.vn/Pages/dien-dan-khuyen-nong-nong-nghiep-nam-2024-0b2a.aspx