Theo bà Nguyễn Thị Kim Thông, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, trong tổng số phụ nữ cả nước được khảo sát mới đây có 39% phụ nữ từng chịu bạo lực gia đình; 76% thường bị đe dọa nguy hiểm; 79% thường bị đá, kéo lê, đánh đập nhiều lần; 75% nhiều lần bị chồng ép quan hệ tình dục; 86% thường bị chồng xúc phạm.
Tại Bắc Kạn, từ năm 2019 – 2023, toàn tỉnh xảy ra 306 vụ bạo lực gia đình, trong đó, năm 2019 có 86 vụ; năm 2020 có 76 vụ; năm 2021 có 61 vụ; năm 2022 có 44 vụ và năm 2023 có 39 vụ. Bạo lực gia đình xảy ra, ngoài nguyên nhân về nhận thức còn do người bị bạo lực đều là thành viên trong gia đình nên việc tố giác tội phạm gặp nhiều khó khăn. Vấn nạn bạo lực gia đình đã và đang để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình và cho toàn xã hội. Do vậy, Chiến lược phát triển gia đình tỉnh Bắc Kạn đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, có 100% hộ gia đình được cung cấp thông tin, kiến thức về văn hóa ứng xử, kỹ năng giáo dục đạo đức, lối sống, tình yêu thương và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; 50% số xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình về truyền thông, giáo dục xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cơ sở; 100% thôn, tổ dân phố đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư; 100% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được giáo dục, tư vấn về hôn nhân gia đình, kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc.
Nhiều chiến dịch truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình được tổ chức thúc đẩy sự thay đổi về nhận thức của người dân (Ảnh: Một chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới tổ chức tại thành phố Bắc Kạn) |
Thực hiện mục tiêu đó, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã vào cuộc triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực. Trong đó có thể kể đến việc nhân rộng các mô hình về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, đến nay đã thực hiện nhân rộng được 29 mô hình (mô hình theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong đó có 145 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và 145 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình. Góc tư vấn về giới và gia đình được duy trì bằng hai hình thức là tư vấn trực tiếp và tư vấn qua điện thoại, bên cạnh đó duy trì hoạt động của gần 300 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng và gần 300 mô hình, loại hình câu lạc bộ thu hút gần 11.000 thành viên hội viên hội phụ nữ tham gia. Thông qua các hoạt động hỗ trợ về phòng, chống bạo lực gia đình, các hoạt động tổ chức thường niên hằng năm đã kịp thời can thiệp, xử lý các vụ việc về bạo lực gia đình, tuyên truyền, vận động mọi người cùng làm tốt công tác gia đình; chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế hộ gia đình, phương pháp chăm sóc, giáo dục con cái, cách ứng xử trong gia đình, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, các biện pháp kế hoạch hóa gia đình…
Hằng năm, tỉnh cũng tổ chức thành công Hội nghị nói chuyện chuyên đề nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3; triển khai thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” trên địa bàn tỉnh với các hoạt động như Lễ phát động và đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; tổ chức sinh hoạt theo các chủ đề của Bộ tiêu chí và tập trung vào hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí gia đình thông qua các hình thức tuyên truyền trên loa truyền thanh của thôn, bản, tổ dân phố, qua hệ thống pano, áp phích, tờ rơi và qua các buổi sinh hoạt thôn, bản, tổ dân phố….
“Phòng chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của toàn xã hội”, “Hạnh phúc sẽ tỏa sáng trong gia đình không có bạo lực” là một trong những chủ đề trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) năm 2024 của tỉnh. Đây cũng là dịp để tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, gia đình, toàn xã hội về Ngày Quốc tế Hạnh phúc, từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc.
Trong quá trình tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, tỷ lệ cán bộ, Nhân dân biết đến Luật khá cao song người hiểu Luật, nhận diện được hành vi bạo lực gia đình lại thấp; không nhận diện được hành vi thì không thể xử lý được. Bởi vậy, một trong những giải pháp làm cơ sở để xử lý hành vi bạo lực gia đình là trong công tác truyền thông. Trong thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu chỉ đạo và hướng dẫn truyền thông để các đối tượng hiểu và nhận diện được hành vi nào là hành vi bạo lực gia đình, người gây ra hành vi bạo lực gia đình bị xử lý như thế nào bằng cách đưa ra các tình huống để mọi người trao đổi hoặc bằng các hình thức sân khấu hóa tình huống về bạo lực gia đình, góp phần thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình. Đồng thời không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng và mọi cá nhân trong xã hội, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương về vị trí, vai trò, giá trị của gia đình trong phát triển bền vững kinh tế – xã hội của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.