Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có đại diện lãnh đạo Sở Công thương cùng một số sở, ngành liên quan.
Tính đến hết năm 2023, cả nước có 8.318 chợ, trong đó khoảng 83% là chợ hạng 3, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nhiều hạn chế, chợ nông thôn chiếm khoảng 73%. Để đáp ứng yêu cầu phát triển chợ trong tình hình hiện nay, Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, UBND các tỉnh, thành phố và các hội, hiệp hội ngành nghề xây dựng và trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 60/2024/NĐ-CP ngày 5/6/2024 về phát triển và quản lý chợ.
Nghị định số 60/2024/NĐ-CP có những điểm mới như: Cho phép địa phương chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư phát triển chợ trên địa bàn; bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư để triển khai theo Luật Quản lý sử dụng tài sản công.
Trong đó, khuyến khích thực hiện xã hội hóa nhằm huy động và đa dạng hóa nguồn lực để duy trì, phát triển, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ, phân công rõ ràng trách nhiệm của các bộ, ngành; phân cấp triệt để cho địa phương trong công tác phát triển và quản lý chợ. Nghị định số 60/2024/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong công tác phát triển và quản lý chợ.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài đề nghị, thời gian tới các địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện Nghị định kịp thời, đồng thời nắm bắt đầy đủ các nội dung chính sách mới của Nghị định. Qua đó, đảm bảo công tác phát triển và quản lý chợ hiệu quả và đúng pháp luật./.
Nguồn: https://baobackan.vn/phat-trien-va-quan-ly-cho-dam-bao-hieu-qua-dung-phap-luat-post64837.html