Canh tác hữu cơ là một trong những biện pháp nâng cao sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng
(Ảnh: Trồng dưa lưới theo phương pháp hữu cơ của HTX Dương Quang, thành phố Bắc Kạn)
Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” phê duyệt tại Quyết định số 3458/QĐ-BNN-BVTV ngày 11/10/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định mục tiêu “Ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt trên cơ sở quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả nhằm hạn chế suy thoái đất, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt (bao gồm đất trồng cây hằng năm và đất trồng cây lâu năm), góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, các-bon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng cụ thể một số nội dung các địa phương cần tập trung thực hiện như vấn đề quản lý sử dụng đất trồng trọt; quản lý sản xuất, buôn bán phân bón theo thẩm quyền; tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao sức khỏe đất trồng trọt và sử dụng phân bón; phát triển vùng trồng theo quy hoạch của địa phương và liên vùng; đề xuất cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, sản xuất phân bón, đặc biệt là phân bón hữu cơ, phân bón mới thân thiện với môi trường và hướng dẫn, kết nối tạo liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, chuyên gia, nhà khoa học; xây dựng và áp dụng các mô hình mạng lưới cán bộ kỹ thuật, mô hình quản lý, sử dụng tiết kiệm và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt; áp dụng quy trình công nghệ canh tác tiên tiến, an toàn; đầu tư hạ tầng (giao thông, thủy lợi…), giảm thiểu rủi ro, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế suy thoái đất, ô nhiễm môi trường đất.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, tổng diện tích sản xuất các cây trồng nông nghiệp chính trên địa bàn tỉnh hiện nay có 53.048 ha, trong đó, diện tích sản xuất cây lương thực có hạt 36.120 ha, cây rau 3.250 ha, cây ăn quả 6.269 ha, cây chè 1.450 ha, các cây trồng hằng năm khác (đậu tương, lạc, dong riềng, thuốc lá, gừng, nghệ …) 5.959 ha.
Về sức khỏe đất được đánh giá cơ bản vẫn đang đảm bảo để sản xuất nông nghiệp đạt năng suất và chất lượng, tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng thoái hóa đất bắt đầu xuất hiện cục bộ trên diện tích đất trồng cây ăn quả, đất lúa và rau màu làm cho đất sản xuất không còn tơi xốp mà chặt lại, chai cứng, kết cấu thay đổi, dinh dưỡng trong đất mất cân đối như thừa lân, thiếu kali, thiếu vi lượng, sinh vật có hại nhiều hơn sinh vật có ích.
Nguyên nhân chính gây thoái hóa đất là do lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc trừ cỏ, trồng độc canh, nền đất mặt không được che phủ bị xói mòn vào mùa mưa hay khô hạn vào mùa nắng… Tình trạng thoái hóa đất khiến cây trồng bị rối loạn, thiếu hụt dinh dưỡng; sinh trưởng, phát triển kém, làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm.
Nhận thức được vai trò quan trọng của đất đai, trong nhiều năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm triển khai thực hiện các chương trình, dự án của Trung ương cũng như có các chính sách cụ thể của địa phương nhằm khắc phục tình trạng thoái hóa đất, ô nhiễm đất, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, giảm sử dụng hóa chất trong nông nghiệp, thúc đẩy canh tác hữu cơ, góp phần thực hiện thành công các chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Hằng năm, các ngành chuyên môn của tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất hữu cơ, kỹ thuật sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, kỹ thuật xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng cho nông dân nhằm thay đổi dần từ phương thức sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ, bảo vệ đất sản xuất và đảm bảo dinh dưỡng cây trồng. Tuy nhiên, hiệu quả tuyên truyền, áp dụng chưa đạt được kết quả mong muốn; mặt khác, việc quản lý sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng chưa được quan tâm đúng mức, nguồn lực và nhân lực để triển khai, thực hiện còn thiếu…
Trên cơ sở Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kế hoạch đề ra 7 mục tiêu cụ thể đến năm 2030:
(1) Phân tích, đánh giá chất lượng đất trồng lúa để xác định sự thiếu hụt dinh dưỡng và khả năng cung cấp chất dinh dưỡng của đất cho 200 ha đất trồng lúa/năm.
(2) Xây dựng 20 mô hình/năm áp dụng các giải pháp kỹ thuật để nâng cao sức khỏe đất trồng trọt gắn với sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc.
(3) Tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật để nâng cao sức khỏe đất trồng trọt gắn với sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc cho 1.000 lượt nông dân/năm.
(4) Phối hợp thực hiện các nội dung thuộc phạm vi quản lý của tỉnh để hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu về chất lượng các loại đất chính (bao gồm các chỉ tiêu về lý, hóa và sinh học đất) và sử dụng phân bón cho các cây trồng chủ lực trên phạm vi toàn quốc. Khai thác, sử dụng có hiệu quả bộ cơ sở dữ liệu quốc gia trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
(5) Phối hợp thực hiện các nội dung thuộc phạm vi quản lý của tỉnh để xây dựng bộ chỉ tiêu và thang phân cấp chỉ tiêu đánh giá sức khỏe đất trồng trọt trên phạm vi toàn quốc.
(6) Xây dựng, hoàn thiện quy trình, hướng dẫn kỹ thuật một số cây trồng chủ lực gắn với sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc, góp phần ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt, bảo vệ và phát triển đa dạng sinh vật có ích, giảm phát thải khí nhà kính.
(7) Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và sự quan tâm của cộng đồng về quản lý sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng trên địa bàn tỉnh.
Tầm nhìn đến năm 2025, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra cho năm 2030, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu là tỉnh thực hiện tốt công tác nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng.
Theo đó, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương; chủ động xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, chương trình, đề án, dự án của địa phương về quản lý, nâng cao sức khỏe đất gắn với phát triển sản xuất trồng trọt bền vững phù hợp với điều kiện thực tế, lồng ghép các nội dung về tăng cường sức khỏe đất trồng trọt với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Chủ động triển khai các hoạt động quản lý nhà nước, điều tra, đánh giá, cải tạo đất trồng trọt làm cơ sở đưa ra các giải pháp quản lý sức khoẻ đất và dinh dưỡng cây trồng phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái và từng loại cây trồng của địa phương.
Xây dựng vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao theo tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 112/2024/NĐ-CP ngày 11/9/2024 của Chỉnh phủ quy định chi tiết về đất trồng lúa. Tiếp tục duy trì vùng quy hoạch trồng cây ăn quả đặc sản (cam, quýt, mơ, hồng không hạt), cây công nghiệp (chè, dong riềng).
Tăng cường công tác quản lý sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; xây dựng, hoàn thiện quy trình, hướng dẫn sản xuất, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo an toàn, hiệu quả, giảm thất thoát dinh dưỡng đa lượng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính cho các cây trồng chủ lực trên các loại đất chính ở các vùng sinh thái.
Xây dựng các mô hình thử nghiệm, trình diễn về quy trình canh tác một số cây trồng chủ lực gắn với sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc nhằm bảo vệ, phục hồi, cải tạo đất sản xuất và đảm bảo dinh dưỡng cây trồng là cơ sở xây dựng và hoàn thiện quy trình canh tác, quy trình quản lý dinh dưỡng hiệu quả theo hướng tuần hoàn.
Xây dựng mới và nhân rộng quy trình canh tác cho cây trồng chủ lực trên các loại “đất có vấn đề” (đất dốc, đất xám bạc màu,…) gắn với quy trình quản lý dinh dưỡng hiệu quả theo hướng ổn định và phục hồi chất lượng đất.
Xây dựng mô hình canh tác cho cây trồng chủ lực phù hợp với sức khỏe đất trồng trọt trên các loại đất chính ở các vùng sản xuất thâm canh gắn với tiến bộ kỹ thuật đã được công nhận như ‘‘Canh tác lúa cải tiến – SRI’’; biện pháp canh tác ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng dụng biện pháp sinh học phòng chống sinh vật gây hại tổng hợp, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM),…
Tuyên truyền, hướng dẫn các quy trình canh tác bảo đảm ổn định, nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả.
Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và sự quan tâm của cộng đồng về quản lý sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng từ tỉnh đến cơ sở…/.
Nguồn: https://backan.gov.vn/Pages/nang-cao-suc-khoe-dat-va-quan-ly-dinh-duong-cay-trong-188b.aspx