Cùng với việc đẩy mạnh phát triển vùng cây ăn quả, xã Mai Lạp (Chợ Mới) đã và đang tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển nghề truyền thống làm măng khô nứa tép.
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển vùng cây ăn quả, xã Mai Lạp (Chợ Mới) đã và đang tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển nghề truyền thống làm măng khô nứa tép.
Sản phẩm măng khô nứa tép Mai Lạp được trưng bày giới thiệu tại Hà Nội
Mặc dù là vùng sản xuất cây ăn quả tập trung của huyện Chợ Mới, nhưng mấy năm trở lại đây xã Mai Lạp đã khai thác tối đa tiềm năng để phát triển nghề truyền thống làm măng khô nứa tép. Từ chỗ chỉ có tổ hợp tác chế biến măng khô, đến nay xã đã phát triển thêm được Hợp tác xã Măng khô Mai Lạp nhằm sản xuất, chế biến nông lâm sản gắn với liên kết tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của địa phương.
Cứ vào độ tháng 7, tháng 8 hằng năm là người dân Mai Lạp bước vào mùa thu hoạch măng tươi. Các hộ dân tất bật lên rừng khai thác măng về bán cho Tổ hợp tác và Hợp tác xã. Chị Linh Thị Phượng- Giám đốc HTX Măng khô Mai Lạp cho biết: Khi vào mùa thu hoạch măng, các thành viên trong HTX mua gom măng nứa tép tươi trong dân sau đó tiến hành sơ chế như rửa, luộc, cắt, phơi sấy… Các công đoạn xử lý, sơ chế đều được làm thủ công, tự nhiên, không tẩm ướp hóa chất để làm ra sản phẩm măng khô thơm ngon, an toàn.
Cũng là sản phẩm măng khô nứa tép, xong nếu thử ăn một lần sản phẩm măng khô Mai Lạp sẽ bị hấp dẫn bởi sự thơm ngon, đặc trưng mà không có loại măng nào có được. Với ưu điểm được khai thác tự nhiên, sản xuất thủ công, không sử dụng bảo quản, chất cấm trong thực phẩm, được phơi dưới nắng nên giữ được màu vàng và mùi thơm của măng.
Trong quá trình phát triển sản phẩm măng khô nứa tép, HTX măng khô Mai Lạp đã được huyện, cơ quan chuyên môn, tổ chức Care, Trung tâm Nghiên cứu phát triển nông lâm nghiệp miền núi (ADC) hỗ trợ đào tạo năng lực cho hội đồng quản trị, thiết kế bao bì, nhãn mác. Hiện nay sản phẩm măng khô nứa tép của HTX măng khô Mai Lạp đã được đóng gói ép chân không, tránh được ẩm mốc, có nhãn mác, tem vạch, xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, vì vậy được người tiêu dùng ưa chuộng, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Măng nứa tép được chế biến hoàn toàn thủ công, không sử dụng hóa chất bảo quản.
Được biết, sản phẩm măng khô nứa tép Mai Lạp hiện đã được giới thiệu đến người tiêu dùng thông qua các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh như: Tuần lễ hồng không hạt tại Siêu thị Big C – Hà Nội; Tuần lễ trưng bày các sản phẩm an toàn, rõ nguồn gốc trên địa bàn thành phố Hà Nội, trưng bày tại Trạm dừng nghỉ Hải Đăng trên cao tốc Thái Nguyên – Hà Nội…
Chị Linh Thị Phượng, Giám đốc đốc HTX măng khô Mai Lạp cho biết thêm: Thông qua xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm cho thấy măng khô nứa tép Mai Lạp có mức tiêu thụ tốt, giá có thể cao hơn măng khô ở một số nơi khác nhưng do làm thủ công và không dùng hóa chất để ngâm, bảo quản nên vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng. Đây là tín hiệu vui để HTX tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để cung cấp ra thị trường sản phẩm măng khô an toàn, chất lượng. Năm nay HTX sản xuất, chế biến được 2,5 tấn măng khô và đang đóng gói đảm bảo nguồn hàng phục vụ cho tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán.
Làm măng khô nứa tép đã trở thành nghề truyền thống của người dân ở Mai Lạp từ nhiều năm nay, giúp các hộ dân có thêm thu nhập. Nhiều hộ có kinh nghiệm, tay nghề đã tham gia vào HTX để cùng sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hơn chất lượng, từng bước xây dựng thương hiệu măng khô của địa phương. Tuy nhiên trong quá trình khai thác người dân vẫn theo phương thức truyền thống, tự nhiên mà chưa có biện pháp tích cực để chăm sóc, trả lại dinh dưỡng cho rừng. Vì vậy chính quyền địa phương mong muốn cơ quan chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, nhân giống mở rộng vùng sản xuất, góp phần phát triển bền vững nghề sản xuất măng khô truyền thống của địa phương./.