Theo Công văn số 4848/BTC-ĐT ngày 10/5/2024 của Bộ Tài chính về việc công khai các dự án, tiểu dự giải ngân 0% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 nguồn ngân sách Trung ương (vốn trong nước) do địa phương quản lý, tỉnh Bắc Kạn có 09 dự án giải ngân 0%, với tổng số vốn trên 208 tỷ đồng.
Dù bị “điểm tên” trong 09 dự án, tiểu dự án chưa giải ngân, song thực tế có một số công trình đã hoàn thành như: Đường liên thôn Phiêng Giản (xã Phúc Lộc) – Lủng Pjầu (xã Yến Dương); tuyến đường Nghiên Loan – Cổ Linh; đường từ trung tâm xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn đến xã Thành Công, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng); đường Yên Cư – Cao Kỳ. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, đến thời điểm này, các dự án đã hoàn thành thi công, đang tiến hành bàn giao đưa vào sử dụng.
Được biết, ngoài 04 dự án nêu trên đã hoàn thành thi công thì các dự án còn lại vẫn đang thực hiện các bước đầu tư.
Dự án “Đầu tư mua sắm bổ sung trang thiết bị cho 08 trung tâm y tế tuyến huyện thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội lĩnh vực y tế” có tổng kinh phí là 53,5 tỷ đồng, trong đó năm 2023 đã phân bổ 400 triệu đồng, năm 2024 phân bổ 53,1 tỷ đồng. Tính đến ngày 17/5, Dự án này mới chỉ giải ngân được 400 triệu đồng.
Huyện Chợ Đồn được giao thực hiện Dự án “Tuyến đường Quảng Bạch – Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn”. Sau khi tiến hành khảo sát, thiết kế quy mô đầu tư xây dựng đã thực hiện điều chỉnh cục bộ hướng tuyến giảm các đoạn tuyến đồi dốc; giảm khối lượng đào, đắp đất, đá, chi phí xây dựng… “Huyện đang trình HĐND tỉnh xem xét thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 19 tổ chức vào ngày 31/5/2024, đồng thời trình Sở Giao thông vận tải thẩm định phê duyệt bản vẽ thi công”, ông Triệu Huy Chung, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn thông tin.
Đối với Dự án “Đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022, Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư. Ông Nông Ngọc Huấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho hay: Dự án chậm do vướng mắc về mặt bằng xây dựng 01 công trình chợ tại huyện Bạch Thông, hiện nay đã giải quyết xong. Ban QLDA đầu tư xây dựng tỉnh đang trình Sở Công thương thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật và đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Dự án “Bố trí ổn định tập trung dân cư vùng thiên tai tại khu Pù Pèn, thôn Nà Chảo – Nà Tậu, xã Công Bằng, huyện Pác Nặm” cũng đang điều chỉnh quy mô để phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Dẫu nguyên nhân khách quan hay chủ quan, việc chậm giải ngân là một bất cập lớn, bởi lẽ nhu cầu đầu tư lớn, đáng lẽ phải tận dụng tối đa các nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Thế nhưng, tình trạng chậm giải ngân lại đang khiến nguồn vốn Trung ương cấp cho tỉnh không được sử dụng kịp thời, làm giảm hiệu quả kế hoạch đầu tư công, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Công Hòa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Ngay từ đầu năm, Sở đã đôn đốc việc thực hiện công tác đầu tư xây dựng cơ bản nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình dự án, tuy nhiên tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn đạt thấp. Để đảm bảo tiến độ giải ngân, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tăng cường đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện giải ngân. Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các bước đầu tư, tập trung giải ngân kế hoạch vốn.
Trước tình trạng “tiền nằm chờ dự án”, UBND tỉnh Bắc Kạn đã yêu cầu các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư giải ngân kế hoạch vốn; chủ động rà soát, tham mưu điều chuyển vốn giữa các dự án chậm giải ngân hoặc không có khả năng giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định.
Tốc độ giải ngân vốn đầu tư chậm trễ khiến hoạt động đầu tư công của tỉnh còn nhiều ách tắc, kéo theo khó khăn về sau này trong việc xin cấp vốn từ Trung ương, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch đầu tư phát triển. Do vậy, việc chấn chỉnh và đốc thúc hoạt động giải ngân cần phải được thực hiện quyết liệt, thường xuyên, giải pháp đồng bộ để nguồn vốn ngân sách được sử dụng hiệu quả, tránh tình trạng “tiền có mà không thể tiêu” trong khi nhu cầu đầu tư của địa phương không hề nhỏ./.