Trong tuần, ĐBQH tỉnh đã làm việc tại hội trường để nghe trình bày 20 tờ trình, báo cáo, đồng thời tiến hành thảo luận về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035; một số nội dung còn ý kiến khác nhau của các dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Phòng không nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và cho ý kiến đối với dự thảo Luật trình tại Kỳ họp.
Thảo luận về Báo cáo của Đoàn Giám sát về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá cao Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã rất quyết liệt, tổ chức nhiều hội nghị, nhiều cuộc làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Liên quan đến giá bất động sản tại một số thành phố lớn tăng cao trong thời gian qua, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục có những chính sách ưu đãi đủ sức hấp dẫn để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà ở thương mại phù hợp với túi tiền của phần đông người lao động. Đồng thời, đại biểu kiến nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo để tháo gỡ những vướng mắc của các dự án nhà ở hiện nay, bên cạnh đó, Chính phủ cần nghiên cứu triển khai các biện pháp mạnh để kiểm soát tình trạng đầu cơ nhà đất trong thời gian vừa qua.
Tham gia thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật đối tượng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế là người dân các xã An toàn khu và vùng An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Chính sách này sẽ giúp người dân đang sinh sống tại các xã an toàn khu, vùng an toàn khu giảm bớt gánh nặng chi phí mỗi khi không may bệnh tật, đau ốm, giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại, có điều kiện chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Trong tuần làm việc vừa qua, các ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tiếp tục tham gia thảo luận tại Tổ đại biểu số 12 cùng với ĐBQH các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình. Các phiên thảo luận Tổ do đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì, điều hành, có Tổng Bí thư Tô Lâm và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tham dự.
Đ/c Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì, điều hành Tổ thảo luận số 12
Thảo luận về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (gọi tắt là Luật sửa đổi 7 luật); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (gọi tắt là Luật sửa đổi 4 luật), Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh nhất trí cao với việc sửa đổi Luật Đầu tư công và các luật liên quan để tháo gỡ các vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong giải ngân vốn đầu tư, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu là phù hợp nhằm khắc phục những vướng mắc trong việc thực hiện các dự án giao thông, bố trí tái định cư, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay.
Đánh giá cao các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật, đồng chí Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đề nghị, đối với các dự án đầu tư công, khi đã được cấp có thẩm quyền, trung ương phê duyệt thì phải được triển khai thống nhất, đồng bộ, căn cứ vào chủ trương đã được phê duyệt để làm, không cần thiết phải xin cấp phép các nội dung chi tiết trong dự án đó nữa là rất phù hợp, như vậy mới khắc phục được những hạn chế về thủ tục “cấp phép” như việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng… làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, dẫn đến các dự án chậm tiến độ so với kế hoạch đã được chỉ ra trong báo cáo, đồng thời đảm bảo thời gian, tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia.
Tuy nhiên, đồng chí đề nghị Chính phủ cần ban hành các quy định chặt chẽ hơn, rõ hơn thế nào là dự án đầu tư khẩn cấp và cần có tiêu chí xác định ngay từ đầu, tránh trường hợp dự án là khẩn cấp nhưng quy trình thực hiện lại bình thường, làm mất tính kịp thời, cấp bách của dự án; đồng thời cần quy định thêm nội dung cấm lợi dụng dự án để sử dụng đất sai mục đích, thì mới đảm bảo tính chặt chẽ, tránh sai phạm.
Phản ánh những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn của địa phương, đại biểu Hà Sỹ Huân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn có ý kiến đóng góp cụ thể vào nội dung sửa Luật Đấu thầu. Đại biểu cho biết, quy định “lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp theo quy định của pháp luật” tại khoản 1 Điều 2 Luật Đấu thầu đang khiến địa phương khó khăn trong việc tổ chức đấu thầu cung cấp bữa ăn học đường cho học sinh từ nguồn xã hội hóa, vì quy mô trường lớp, học sinh ở khu vực miền núi thấp, dẫn đến giá trị các gói thầu nhỏ nên không có nhà thầu tham gia dự thầu. Đại biểu đề nghị sửa, bổ sung vào khoản 1 Điều 2 Luật Đấu thầu quy định: “trừ hoạt động mua sắm, tổ chức bữa ăn học đường của các cơ sở giáo dục công lập” để tháo gõ khó khăn cho địa phương…
Góp ý vào các quy định cụ thể của dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn Hà Sỹ Huân đề nghị bổ sung cơ quan kiểm lâm là cơ quan quản lý chuyên ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước liên quan đến phòng cháy, chữa cháy để thống nhất với quy định tại Luật Lâm nghiệp năm 2017 và đề nghị bổ sung quy định lực lượng Công an xã vào lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đại biểu cũng đóng góp ý kiến đối với quy định về thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy…
Thảo luận đối với Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Thiếu tướng Hoàng Văn Hữu, Phó Tư lệnh Quân khu 1 nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật. Phân tích những điểm mới của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội có tác động lớn đến độ tuổi nghỉ hưu và các chính sách liên quan của lực lượng vũ trang như công an, quân đội, đại biểu Hoàng Văn Hữu nhất trí cao với việc điều chỉnh về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan trong dự thảo. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh nâng hạn tuổi cao nhất của sĩ quan đảm bảo kế thừa độ tuổi quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2008 và năm 2014, tương đồng với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân năm 2023.
Đối với các quy định một số chính sách về nhà ở, đất ở của lực lượng vũ trang, đại biểu Hoàng Văn Hữu cho biết, đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội, đây là nhu cầu thiết yếu và hiện nay đang còn rất thiếu. Việc thực hiện các chính sách này cũng thể hiện rõ tính chất nghề nghiệp của lực lượng này là ngành nghề lao động đặc biệt…
Trong tuần tới, Quốc hội bước vào tuần làm việc thứ ba của Kỳ họp thứ 8 (từ ngày 4 đến 9/11) với nhiều nội dung quan trọng, trong đó trọng tâm là tthảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước, công tác lập pháp và giám sát tối cao, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục chuẩn bị nội dung để tham gia ý kiến tại Kỳ họp./.
Nguồn: https://backan.gov.vn/Pages/hoat-dong-cua-doan-dbqh-tinh-trong-tuan-thu-hai-ky-3bc8.aspx