Đây là mục tiêu Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (ban hành tại Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 31/3/2023).
Triển khai Chương trình hành động của Chính phủ, ngày 25/5/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 335/KH-UBND trong đó xác định: “Phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp vào GRDP, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện đời sống, thu nhập cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội”.
Mục tiêu phấn đấu hằng năm thành lập mới từ 100 doanh nghiệp trở lên; đến hết năm 2025 có khoảng 1.500 doanh nghiệp; đến hết năm 2030 có khoảng 2.000 doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân, hình thành và phát triển nhiều doanh nghiệp có quy mô vừa trở lên, có tiềm lực, sức cạnh tranh trên thị trường.
Mở đường, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, tỉnh Bắc Kạn đã đặc biệt quan tâm đến việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, công khai thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt; cùng với đó là thúc đẩy cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ phận Một cửa các cấp.
Tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển
Việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được thực hiện trên nhiều phương diện, lĩnh vực như hỗ trợ về pháp lý; hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới công nghệ; phối hợp tuyển dụng lao động, đào tạo nguồn nhân lực. Nhiều năm nay, lãnh đạo tỉnh đã thường xuyên duy trì tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, tổ chức các cuộc đối thoại, gặp mặt với doanh nghiệp, nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư hiểu rõ hơn về cơ hội, tiềm năng của tỉnh, về quan điểm, chủ trương, cơ chế chính sách của tỉnh, đồng thời qua các cuộc tiếp xúc cũng đã tiếp nhận, xem xét chỉ đạo giải quyết, kịp thời tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó tăng cường, củng cố lòng tin của đội ngũ doanh nhân đối với cấp ủy, chính quyền tỉnh Bắc Kạn.
Nhằm tạo dư địa cho kinh tế tư nhân phát triển, tỉnh đã có các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, thực hiện các dự án liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời quan tâm triển khai Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn để gia tăng giá trị sản phẩm, qua đó mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác quy hoạch, huy động tổng hợp các nguồn lực từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa nhằm phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, bền vững; đầu tư xây dựng nâng cấp hạ tầng thương mại; phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Cùng với việc công bố công khai Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh đã và đang khẩn trương triển khai lập các Đồ án Quy hoạch điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung các đô thị trên địa bàn; lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện; Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn; Quy hoạch di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể và vùng phụ cận; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của 8 huyện, thành phố; Quy hoạch khu chức năng; Quy hoạch nông thôn… làm căn cứ triển khai các nhiệm vụ, dự án trên địa bàn.
Nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất và các hạ tầng kỹ thuật, tỉnh đã chủ động phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng trong triển khai các dự án đầu tư xây dựng tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới, tuyến Chợ Mới – Bắc Kạn, tuyến cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng. Cùng với đó là đầu tư hoàn thiện phần diện tích còn lại của Khu Công nghiệp Thanh Bình giai đoạn I, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương đầu tư Khu Công nghiệp Thanh Bình giai đoạn II từ nguồn vốn xã hội hóa; thành lập mới 7 cụm công nghiệp…
Để tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực cho khu vực tư nhân, tỉnh đã chỉ đạo Ngân hàng nhà nước tỉnh Bắc Kạn thực hiện tốt các chính sách tín dụng ngân hàng; duy trì triển khai thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp; áp dụng quy trình cho vay đơn giản, chủ động hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng theo đúng quy định của pháp luật, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh…
Nhờ triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tăng lên; tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại là khoảng 1.250 doanh nghiệp. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, tính chuyên nghiệp, trình độ quản lý, hiểu biết pháp luật còn hạn chế; hoạt động sản xuất kinh doanh chưa phát triển ổn định, một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng sản xuất do thiếu nguồn nguyên liệu, hàng tồn kho lớn, thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn.
Để đạt được mục tiêu đến hết năm 2025 có khoảng 1.500 doanh nghiệp; đến hết năm 2030 có khoảng 2.000 doanh nghiệp, trong đó phát triển nhiều doanh nghiệp có quy mô vừa trở lên, có tiềm lực, sức cạnh tranh trên thị trường theo mục tiêu kế hoạch đã đề ra, tỉnh Bắc Kạn xác định tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả của cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa hiện đại để giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhà đầu tư theo nguyên tắc “Công khai – minh bạch – chất lượng – đúng hẹn”. Chú trọng triển khai các giải pháp tạo sự bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tiếp cận tín dụng, đất đai và các nguồn lực tài chính của nhà nước. Quan tâm đồng hành, chia sẻ, kịp thời nắm bắt, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách, pháp luật trong giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đảm bảo đầy đủ, nhanh chóng./.
Nguồn: https://backan.gov.vn/Pages/kinh-te-tu-nhan-dong-luc-quan-trong-cua-nen-kinh-t-d10d.aspx