Dấu ấn từ một nhiệm kỳ
Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS được cải thiện, nâng cao (Ảnh: Người dân thôn Dài Khao, xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể vui Ngày hội đại đoàn kết) |
Giai đoạn 2019 – 2024, tình hình kinh tế, đời sống vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm; trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đồng bào các dân tộc phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo và đường lối đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, tích cực lao động, sản xuất phát triển kinh tế. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Các chính sách, chương trình, dự án triển khai trong vùng đồng bào DTTS, trọng tâm là các Chương trình MTQG tiếp tục được quan tâm thực hiện. Kết quả đầu tư từ các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất và hỗ trợ trực tiếp các chính sách cho người dân đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, vùng DTTS và miền núi.
Trong giai đoạn 2019 – 2024, tỉnh phân bổ trên 3.300 tỷ đồng để triển khai thực hiện các nội dung chính sách của Chương trình MTQG. Với phương châm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tỉnh đã tập trung cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn; giải quyết những vấn đề bức thiết về nhà ở, nước sinh hoạt, sắp xếp bố trí ổn định dân cư ở nhưng nơi cần thiết, xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và cộng đồng, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân. Kết quả, toàn tỉnh đã chung tay xóa được gần 1.100 nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo đảm bảo “3 cứng”.
Cùng với giải quyết nhu cầu bức thiết của đồng bào DTTS, thông qua các Chương trình MTQG, tỉnh đã tích cực triển khai đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ năm 2022 – 2024, tỉnh đã đầu tư xây dựng trên 1.000 công trình hạ tầng thiết yếu, 6 công trình chợ, 10 công trình đường giao thông liên xã, 25 công trình trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trường có học sinh bán trú và 36 nhà văn hóa, qua đó góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn cũng như đời sống người dân.
Từ nguồn lực 3 Chương trình MTQG, đến nay, tỉnh đã có 28 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 19 xã so với năm 2019; 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thành phố Bắc Kạn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 74 thôn được công nhận thôn đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 22 thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn. So với kế hoạch, hiện có 4 chỉ tiêu đạt và vượt gồm 85% xã có đường ô tô đến trung tâm xã đạt cấp 6 trở lên (đạt 106%); 95% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa (đạt 118,7%); 92% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng (đạt 104,5%); số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 98,5% kế hoạch. Các chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản hằng năm đều giảm.
Ngoài ra, tỉnh thực hiện nhiều chương trình, dự án vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2019 – 2024 như chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số”; Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS”. Các chương trình triển khai thực hiện theo kế hoạch, cơ bản đảm bảo nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra.
Từ Quyết tâm thư thành ngọn lửa khát vọng của đồng bào các DTTS
Đoàn đại biểu huyện Chợ Đồn dự Đại hội các DTTS tỉnh Bắc Kạn lần thứ IV năm 2024 |
Với vai trò Bí thư chi bộ, người có uy tín của thôn Nặm Lịa, xã Xuân La (Pác Nặm), anh Triệu Văn Tiến cho biết, những năm qua, đồng bào Dao ở Nặm Lịa được cấp trên quan tâm đầu tư cả về hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất và nhiều chính sách ưu đãi khác, điều này củng cố niềm tin của đồng bào DTTS với các cấp ủy, chính quyền. Với trách nhiệm của đại biểu, anh sẽ nhanh chóng truyền đạt lại kết quả của Đại hội đến với người dân trong thôn, cùng bà con nỗ lực phát triển kinh tế – xã hội, tuân thủ chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, từ đó góp phần cùng đồng bào DTTS trên toàn tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu Quyết tâm thư đề ra.
Là Trưởng đoàn đại biểu của huyện về dự Đại hội, đồng chí Ma Thị Na – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chợ Đồn chia sẻ: “Trước hết, chúng tôi sẽ chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các phòng chuyên môn, hội, đoàn thể cấp huyện đến cơ sở tích cực tuyên truyền nội dung, tinh thần của Quyết tâm thư Đại hội đến toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân. Cụ thể hóa các nội dung của Quyết tâm thư thành các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể gắn với các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương”.
Không riêng Chợ Đồn, các đơn vị, địa phương khác trong toàn tỉnh đang và sẽ tiếp tục truyền đạt tinh thần, khát vọng của Đại hội đến với cán bộ, đảng viên, người dân trong toàn tỉnh với ý chí quyết tâm lớn, hành động mãnh mẽ, cụ thể để sớm cụ thể hóa các mục tiêu của Quyết tâm thư.
Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Triệu Thị Thu Phương, Quyết tâm thư Đại hội các DTTS tỉnh Bắc Kạn lần thứ IV, năm 2024 đề ra những nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể không chỉ là ý chí, trách nhiệm của đại biểu dự Đại hội mà còn là khát vọng chung của đồng bào các DTTS tỉnh Bắc Kạn hướng đến tương lai. Cùng với các đơn vị, địa phương, hệ thống chính trị toàn tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh sẽ sớm đưa Quyết tâm thư vào cuộc sống bằng việc xây dựng các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch năm của đơn vị, đặc biệt là trong xây dựng dự toán kế hoạch vốn thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào các DTTS&MN giai đoạn 2026 – 2030. Thực hiện tốt Quyết tâm thư của Đại hội sẽ góp phần không nhỏ vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nâng cao đời sống mọi mặt cho đồng bào DTTS và miền núi./.
Nguồn: https://backan.gov.vn/Pages/gui-gam-niem-tin-vao-giai-doan-moi-c945.aspx