Là tỉnh miền núi với trên 88% là đồng bào dân tộc thiểu số, theo số liệu tổng hợp của cơ quan chức năng, toàn tỉnh hiện có 239.251 phụ nữ và trẻ em, chiếm 72,67% dân số, trong đó có 160.376 phụ nữ, 78.875 trẻ em.
Thời gian qua, các chính sách xã hội đối với phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ như chính sách hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số; chính sách trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi; chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; chính sách hỗ trợ cho phụ nữ khi sinh con đúng chính sách dân số; các chính sách, pháp luật về trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi…
Thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Một số đề án, chính sách được triển khai thực hiện hiệu quả, có tác động sâu sắc, mang lại hiệu quả thiết thực đến nhóm yếu thế là phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, trong đó có thể kể đến Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 – 2025” theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 – 2027” theo Quyết định số 938/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2025” theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ…
Hội thi tìm hiểu kiến thức Luật Bình đẳng giới tại huyện Chợ Đồn
Các đề án, dự án với nhiều hoạt động được khởi động, triển khai như tổ diễn đàn, hội thi, tập huấn bồi dưỡng kiến thức về giới, về phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em… đã giúp cho các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức và người dân thấy rõ nguy cơ, thực trạng của vấn đề bất bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; từng bước nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, về phòng, chống bạo lực giới trong gia đình và cộng đồng, qua đó tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng được tìm hiểu về pháp luật, biết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình, thể hiện được quyền bình đẳng trong đời sống xã hội và tham gia vào nhiều hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, từ đó góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Qua giám sát việc thực hiện các đề án, dự án, chính sách mới đây của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho thấy, nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về hôn nhân và gia đình, sức khỏe sinh sản, về hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống từng bước được nâng lên, ý thức chấp hành pháp luật về hôn nhân và gia đình có nhiều chuyển biến tích cực. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có chiều hướng giảm (năm 2021 có 127 cặp tảo hôn/1728 cặp kết hôn, năm 2022 có 76 cặp tảo hôn/1816 cặp kết hôn).
Nâng cao quyền năng về kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Cùng với giải quyết các vấn đề về xã hội, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn cũng quan tâm đến việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh. Thông qua tổ chức các hoạt động “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp” và “Ngày phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp – Hội thảo xúc tiến thương mại, các hội thảo, diễn đàn như “Kết nối phụ nữ khởi nghiệp OCOP”, “Nâng cao năng lực cho hội viên phụ nữ khởi nghiệp OCOP”, “Kết nối giao thương”… thuộc Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” theo Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều chị em phụ nữ đã vượt khó, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Số doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ ngày càng nhiều. Theo số liệu thống kê, tại 32 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh có 234/296 thành viên là nữ; tại 121 tổ hợp tác có 938/1.321 thành viên là nữ tham gia hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến các sản phẩm có sẵn tại địa phương.
Bảo đảm cho trẻ em được chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núí
Qua kết quả giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá, trẻ em trên địa bàn tỉnh được quan tâm bảo vệ ở cả 3 cấp độ là phòng ngừa, can thiệp và hỗ trợ; 100% các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực đều được hỗ trợ, can thiệp theo quy định tại Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh đạt 99,6%; tỷ lệ trẻ em khai sinh đúng hạn là 89%. Việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi, quyết định cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, giúp cho nhiều trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có mái ấm gia đình, được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục tốt.
Công tác chăm sóc trẻ em, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe được quan tâm thực hiện; 100% trẻ em khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được đảm bảo quyền lợi theo quy định.
Các chính sách, pháp luật về trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai thực hiện đầy đủ, nhiều nhất là lĩnh vực giáo dục và đào tạo có các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; phát triển giáo dục mầm non; hỗ trợ học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh dân tộc thiểu số rất ít người; chế độ, chính sách đối với học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú; chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật là trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi…
Cùng với đó, trẻ em được tạo điều kiện, cơ hội tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí thông qua Ngày hội sách, Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, các cuộc thi, hội thi văn hóa, thể thao… Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, bố trí kinh phí, huy động xã hội hóa để xây dựng, khánh thành ngày càng nhiều điểm vui chơi an toàn dành cho thiếu nhi. Riêng năm 2024 đã có 65 điểm vui chơi dành riêng cho trẻ em được xây dựng mới và đi vào sử dụng, qua đó giúp cho trẻ em có được không gian vui chơi lành mạnh, an toàn, tránh xa tệ nạn xã hội, không bị lệ thuộc vào các thiết bị giải trí điện tử, đồng thời đáp ứng nhu cầu rèn luyện thể dục, thể thao, vui chơi giải trí của trẻ.
Việc duy trì tổ chức thường niên Diễn đàn trẻ em các cấp trong nhiều năm qua được đánh giá đã thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, đồng thời góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và xã hội về thực hiện quyền trẻ em, hướng tới xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, bình đẳng và lành mạnh cho mọi trẻ em.
Qua giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn 3 năm gần đây, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng chỉ ra một số tồn tại, bất cập và kiến nghị một số nội dung, trong đó đề nghị các cấp chính quyền cần thường xuyên rà soát, đề xuất, kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về phụ nữ, trẻ em nói chung và phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, thống nhất, thuận lợi trong việc thực hiện, bảo đảm các quyền của phụ nữ, trẻ em, giải quyết các vấn đề cấp bách về phụ nữ, trẻ em đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Các cấp, các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, trẻ em và Nhân dân về chủ trương, chính sách, pháp luật về phụ nữ, trẻ em.
Làm tốt công tác phát hiện, giới thiệu, biểu dương cách làm hay, nhân rộng mô hình điển hình, tập thể, cá nhân phụ nữ tiêu biểu trong thực hiện các chương trình, dự án, đề án; vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất nông nghiệp, phát triển theo hướng hiện đại và áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao; quan tâm, tạo điều kiện và khuyến khích hội viên phụ nữ khởi sự khởi nghiệp kinh doanh, phát triển các nghề truyền thống ở địa phương gắn với việc thực hiện bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn.
Vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội.
Quan tâm bố trí nguồn lực, thực hiện quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các chính sách, dự án, đề án liên quan đến phụ nữ, trẻ em đảm bảo hiệu quả, đúng quy định…/.
Nguồn: https://backan.gov.vn/Pages/dam-bao-quyen-loi-ich-hop-phap-cho-phu-nu-va-tre-e-b213.aspx