Tại hiện trường, bà Bùi Thị Xuân, Trưởng thôn Nà Đán cho biết: Tổng diện tích rừng thôn nhận quản lý bảo vệ khoảng 260ha, là rừng tự nhiên và rừng phòng hộ. Thôn đã chia làm 5 tổ và phân công thay phiên nhau đi tuần rừng. Cách đây gần 1 tháng, sau khi phát hiện có dấu hiệu xâm phạm đến rừng thôn quản lý, thôn đã báo cáo đến chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Trong khoảng 20 ngày trở lại đây, khi người dân trong thôn khi đi tuần, tiếp tục phát hiện rừng bị xâm phạm. Bà con rất bức xúc, mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm vào cuộc điều tra, ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.
Theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên môn, căn cứ theo bản đồ quy hoạch 3 loại rừng tại Quyết định 1794/QĐ-UBND ngày 26/10/2018 của UBND tỉnh Bắc Kạn thì hiện trường có 03 vị trí có tình trạng đào bới, san ủi, phát phá gồm:
Vị trí thứ nhất: San, ủi tuyến đường thuộc lô 5, 6, 11, khoảnh 5, tiểu khu 361 (thửa đất số: 156, 160, 191), chức năng rừng phòng hộ; trạng thái rừng hỗn giao núi đất. Hiện trường san ủi mở đường sử dụng phương tiện máy xúc. Diện tích san ủi đo đếm được có chiều dài 550m x rộng 3m = 1.650m2. Tại hiện trường một số cây vầu bị gãy dập, cây bụi, lau lách, cây chuối, cây gỗ không bị thiệt hại.
Vị trí thứ hai là hiện trường chặt phát thuộc lô 12, khoảnh 5, tiểu khu 361 (thửa đất số 195), chức năng rừng phòng hộ; trạng thái rừng hỗn giao núi đất. Hiện trường phát, phá sử dụng dao phát. Diện tích phát phá đo được là 1.220m2; tại hiện trường có cây vầu đường kính trung bình từ 6 – 8cm bị chặt hạ.
Vị trí thứ ba là hiện trường đào bới tuyến đường vào thác nước thuộc lô 10, 12, 13, 15, 16, 18, khoảnh 3, 4, 5, tiểu khu 361 (thửa đất số: 195, 188, 171, 164, 163), chức năng là rừng phòng hộ; trạng thái rừng hỗn giao núi đất. Hiện trường tuyến đường là mở đường mòn đi bộ, bắc cầu qua khe, làm sàn; công cụ sử dụng bằng cuốc, xẻng, dao. Diện tích rừng bị đào, bới làm đường có tổng chiều dài 676m x chiều rộng 0,6m, diện tích 405,6m2.
Tại hiện trường, ông Lê Minh Hiệp, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Quang Thuận, Hạt Kiểm lâm Bạch Thông (Phụ trách quản lý, bảo vệ rừng của 04 xã Dương Phong, Đôn Phong, Quang Thuận, Mỹ Thanh) cho biết: Đối tượng rừng bị chặt phát chủ yếu là rừng nghèo kiệt, là cây vầu, không có cây gỗ bị chặt, mức độ thiệt hại về tài sản lâm sản không lớn, giá trị thấp. Sau khi phát hiện sự việc, lực lượng Kiểm lâm đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan và chính quyền địa phương tổ chức tuần tra nhằm phát hiện để ngăn chặn, đồng thời đo đạc kiểm đếm, thống kê thiệt hại, tham mưu cho cấp có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm theo quy định.
Theo ông Triệu Phúc Tỵ, Chủ tịch UBND xã Đôn Phong cho biết: Ngay sau khi biết sự việc, UBND xã đã chỉ đạo lãnh đạo 02 thôn quản lý có rừng bị xâm phạm cùng với lực lượng kiểm lâm, công an, quân sự xã đến kiểm tra hiện trường. Hiện nay, xã đang tổ chức xác minh đối tượng rừng tại các vị trí trồng cây mỡ, cây chè, nguồn gốc đất và những thông tin liên quan đến vấn đề mua bán đất ở những vị trí này. Sau khi xác minh, có đủ căn cứ sẽ tiến hành xử lý các bước theo quy định, nếu vượt thẩm quyền sẽ báo cáo đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với phóng viên, ông Hà Kim Oanh, Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông cho biết: Để kịp thời ngăn chặn tình trạng trên, UBND huyện Bạch Thông đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện là Hạt Kiểm lâm, Công an huyện, UBND xã Đôn Phong, Phòng Tài nguyên và Môi trường… phối hợp kiểm tra, rà soát thực hiện đồng bộ các biện pháp, trước mắt là ngăn chặn các hành vi vi phạm, tháo dỡ các công trình cầu, lán trại dựng trái phép. Xác minh những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm từ đó xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Báo Bắc Kạn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có kết quả xác minh, giải quyết của cấp có thẩm quyền./.
Nguồn: https://baobackan.vn/chung-quanh-viec-chat-phat-rung-phong-ho-trai-phep-o-don-phong-post64277.html