Thu hái chè nguyên liệu. |
Phát triển sản phẩm chủ lực
Chương trình OCOP đã có tác động lan tỏa mạnh, giúp thay đổi tư duy sản xuất của người dân Chợ Mới. Đến nay toàn huyện có 26 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Trong đó tiêu biểu có măng khô nứa tép, mật ong rừng nguyên chất, cam ngọt Thanh Mai, chè Shan tuyết Bản Mộc, bánh gio, mướp đắng rừng sấy khô nguyên quả, chè Như Cố… là các sản phẩm đã được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận. Nhiều khách hàng biết những sản phẩm này thông qua việc tham dự các sự kiện quảng bá, giới thiệu nông sản đặc trưng của các địa phương…
Bằng các nguồn vốn khác nhau, trong giai đoạn 2019 – 2023, huyện đã quan tâm hỗ trợ các hợp tác xã trên địa bàn như: HTX Thanh niên Như Cố được hỗ trợ nhà lưới, hệ thống thiết bị chế biến chè; HTX Hợp Thành Thanh Vận được hỗ trợ xây dựng nhà xưởng, máy sấy, hỗ trợ bao bì; HTX Nông nghiệp sạch Tân Sơn được hỗ trợ hệ thống nhà phơi sấy; HTX Nông nghiệp Thái Lạo và HTX Chè Shan tuyết Bản Cháo được hỗ trợ nhà xưởng, tôn sao sấy; HTX Thành Đạt được hỗ trợ máy phục vụ sản xuất; HTX 20/10 được hỗ trợ nhà xưởng và dây chuyền sản xuất bún khô; HTX Mai Lạp được hỗ trợ mua máy móc, thiết bị.
Sản phẩm Trà Shan tuyết của Hợp tác xã Nông nghiệp Bản Mộc (Chợ Mới) đạt OCOP 3 sao. |
Để phát triển sản phẩm thì nguồn nguyên liệu là rất quan trọng, nhận thấy tiềm năng lợi thế của vùng, Hợp tác xã Nông nghiệp Bản Mộc đã tập trung thâm canh trồng chè Shan tuyết tại xã Yên Hân. Hiện tại HTX có trên 15ha diện tích thâm canh và 11,7ha trồng mới. Đến nay, HTX đã có sản phẩm chè Shan Tuyết Bản Mộc đạt OCOP 3 sao và một số sản phẩm khác.
Anh Ma Văn Thống, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bản Mộc cho biết: “Tôi rất phấn khởi năm 2023 được Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng, thâm canh, chế biến sản phẩm chè Shan tuyết tại huyện Chợ Mới tỉnh Bắc Kạn” hỗ trợ về vật tư thực hiện mô hình trồng mới và thâm canh cây chè. Được cấp giống, phân bón hữu cơ vi sinh và tiếp nhận quy trình công nghệ chế biến sản phẩm chè tôm, chè xanh chất lượng cao và hồng trà…”.
Thúc đẩy hiệu quả Chương trình OCOP
Để thực hiện Chương trình OCOP thực sự hiệu quả và bền vững, cần có sự quan tâm sát sao của các ngành, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia.
Anh Ma Văn Thống, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bản Mộc quảng bá sản phẩm tại các hội chợ trong tỉnh. |
Thực tiễn thực hiện Chương trình trong thời gian qua cho thấy còn nhiều hạn chế như: Về cơ chế, chính sách chưa có quy định cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức cá nhân tham gia hoặc phấn đấu nâng cấp sản phẩm. Nguồn lực của các chủ thể còn hạn chế, chưa có sức đầu tư lớn, chưa được đầu tư máy móc ứng dụng khoa học công nghệ cao. Các sản phẩm đạt sao OCOP có quy mô sản xuất nhỏ, sản lượng thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lớn.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho biết: “Để xây dựng và phát triển hiệu quả các sản phẩm OCOP địa phương. Trong thời gian tới, huyện đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đó là tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình OCOP; tiếp tục duy trì sản phẩm đạt 3 sao, có ít nhất 05 sản phẩm đạt 4 sao. Các xã, thị trấn rà soát cụ thể các tổ chức kinh tế, các hộ sản xuất có điều kiện tham gia chương trình để có phương án hỗ trợ, xây dựng và phát triển sản phẩm. Huyện cũng sẽ ưu tiên, bố trí vốn từ ngân sách và các tổ chức tín dụng để hỗ trợ chủ thể phát triển hoàn thiện các sản phẩm đủ điều kiện tham gia Chương trình OCOP. Hỗ trợ các chủ thể tiếp cận, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm; phát triển sản phẩm gắn với tiếp cận thị trường, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia xúc tiến thương mại thông qua việc quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hội chợ, triển lãm…”.
Dựa trên thế mạnh của địa phương, huyện Chợ Mới xác định sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu gắn với cây trồng chủ lực như vùng chè Shan tuyết tại 3 xã phía Đông của huyện; vùng chè trung du tại các xã trung tâm huyện; quả mơ vàng tại xã Cao Kỳ, Hoà Mục; vùng cây cam quýt tại các xã phía Tây của huyện. Đồng thời huyện củng cố, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa; ổn định, nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc, liên kết chuỗi, phát triển thương hiệu sản phẩm để khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài tỉnh./.