Bắc Kạn là tỉnh nghèo, rất cần đầu tư phát triển nhanh hệ thống giao thông để vươn lên. Những hành vi gian dối, trục lợi theo kiểu tranh thủ thay đổi hiện trạng đất để đón đền bù, gây ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư dự án và tiền bạc của Nhà nước cần bị xã hội lên án.
Để đảm bảo thực hiện đúng chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác đền bù giải phóng mặt bằng cũng như sự công bằng giữa các hộ dân, UBND thành phố Bắc Kạn đang rà soát để đưa ra những giải pháp hữu hiệu, kiên quyết không để tình trạng trục lợi chính sách xảy ra.
Cây mộc hương được trồng với mật độ dày đặc trên một thửa ruộng tại thôn Nà Choong, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn. |
Vì sao nhiều hộ đua nhau trồng mộc hương, rào lưới thép ?
Số liệu thống kê hiện trạng ban đầu của Ban Bồi thường GPMB thành phố Bắc Kạn, tính đến ngày 16/4/2024 đã thống kê kiểm đếm được 110 hộ trong phạm vi giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Chợ Mới – Bắc Kạn tại xã Nông Thượng và tổ 16 phường Sông Cầu, trong đó có gần 50 hộ có cây trồng mới và rào lưới thép có biểu hiện “đón” đền bù, trong đó những cây được trồng mới chủ yếu là mộc hương.
Tại Quyết định số 419/QĐ-UBND ngày 16/3/2023 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc công bố đơn giá bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi là thuỷ sản khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn thì bảng giá đền bù đối với cây mộc hương mới trồng có đường kính thân dưới 2cm là 100.000 đồng/cây; cây có đường kính từ 2-5cm là 500.000 đồng/cây.
Những cây mộc hương có đường kính hơn 2cm được trồng nhưng còn nguyên bầu tại khu vực tổ 16, phường Sông Cầu (TP. Bắc Kạn). |
Một số nguồn tin cho biết, thời điểm hiện tại người dân ở đây mua cây giống mộc hương loại nhỏ dưới 2cm với giá 3.000 – 4.000 đồng/cây; loại có chiều cao hơn 1m, đường kính thân 2-3cm có giá 60.000 – 70.000 đồng.
Như vậy nếu được đền bù thì người trồng mộc hương sẽ “lãi to”, vì giá đền bù cao hơn rất nhiều lần so với giá cây mua ngoài thị trường về trồng. Việc nhiều hộ lựa chọn loại cây này gấp rút trồng trong khoảng thời gian sát nút thời điểm thống kê kiểm đếm GPMB, cùng với một phương pháp kỹ thuật chưa từng có trong chuyên môn ngành trồng trọt rõ ràng cho thấy: Có sự bất thường với mục đích trục lợi.
UBND TP. Bắc Kạn đã lập Tổ công tác để rà soát lại toàn bộ hiện trạng tại đất GPMB của các hộ dân để có phương án xem xét, xử lý những trường hợp vi phạm, trục lợi tiền đền bù, đảm bảo thực hiện đúng chính sách của Nhà nước. |
Ngoài cây mộc hương, một loại tài sản mới được làm trên đất trong phạm vi GPMB tuyến đường này đó là lưới thép b40. Rất nhiều hộ dân đã mua lưới thép mới rào xung quanh đồi, quanh nhà và bờ ruộng. Tại Điều 1, Quyết định số 11/QĐ-UBND ngày 05/01/2023 của UBND tỉnh ban hành đơn giá bồi thường nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh quy định: Đối với những loại nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt mà chưa có trong đơn giá này thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm làm nhiệm vụ bồi thường xác định giá bồi thường cụ thể, thống nhất với Sở Xây dựng làm căn cứ để phê duyệt và chi trả cho các đối tượng được bồi thường.
Như vậy đối với loại tài sản lưới thép b40 khổ 1,5m hiện không có trong bảng giá bồi thường của tỉnh ban hành, nếu được áp dụng chi trả thì sẽ được tính theo giá thị trường. Được biết giá thị trường hiện nay đối với loại lưới thép b40 này khoảng 50.000 đồng/mét dài.
Ông Nguyễn Hữu Trung, Trưởng ban Bồi thường GPMB thành phố Bắc Kạn cho biết: Nếu các hộ dân được đền bù lưới thép, giá sẽ không chênh lệch so với giá thị trường. Thông thường, sau GPMB bà con vẫn được nhận lại tài sản trên đất nên nhiều hộ trong phạm vi GPMB tuyến cao tốc vẫn mua mới hàng loạt lưới thép để rào tại các vị trí không cần thiết để hưởng lợi.
Chị T. người bán hàng sắt ở khu vực chợ Đức Xuân cho biết: Khoảng 10 ngày trở lại đây, cửa hàng nhà chị bán được rất nhiều lưới thép b40, chủ yếu là người dân trong xã Nông Thượng ra mua. Có hộ còn đặt vấn đề mua chịu, đợi đến khi được đền bù sẽ trả tiền nhưng chị không đồng ý. Ngày thường chỉ lác đác người tìm mua nhưng nay phải nhập hàng nhiều hơn gấp đôi, gấp 3 bởi khách hàng đến hỏi mua nhiều hơn. Ngoài cửa hàng chị T. còn rất nhiều cửa hàng sắt khác cũng phải nhập lưới thép b40 nhiều hơn so với mọi ngày, do đợt này tiêu thụ mạnh.
“Đón” đền bù sẽ có kẻ khóc, người cười
Trong vai một người có đất được đền bù từ Dự án cao tốc Chợ Mới – Bắc Kạn, được một người dân giới thiệu, tôi gọi đến số điện thoại có đầu số 0973…. gặp người đàn ông tên Dũng, người Sơn Tây, chuyên cung cấp giống cây mộc hương trong thời gian gần đây tại khu vực thành phố Bắc Kạn.
Trao đổi trên điện thoại anh này cho biết hiện bán rất nhiều cây mộc hương cho bà con trên Bắc Kạn trồng để “đón’ đền bù. Giá cây tùy loại dao động từ 30.000 đến 60.000 đồng/cây. Riêng cây giống loại nhỏ có giá 3.000-4.000 đồng/cây nhưng ít người chọn. Như vậy với trường hợp một hộ dân trồng tới 2.700 cây loại có chiều cao chừng 25cm ở xã Nông Thượng đã được Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng thống kê kiểm đếm, sẽ phải bỏ ra số tiền đầu tư khoảng 10 triệu đồng. Với diện tích trồng 2.000 cây mộc hương có đường kính thân trên 2cm, cao trên 1m của một hộ dân ở tổ 16 phường Sông Cầu, nhân với giá 60.000 đồng/cây, người dân phải bỏ ra trên 100 triệu đồng.
Nội dung cuộc trao đổi của phóng viên Báo Bắc Kạn với một người cung cấp giống cây mộc hương tại thành phố Bắc Kạn trong thời gian gần đây. |
Như vậy số tiền mà nhiều hộ dân ở xã Nông Thượng và tổ 16 phường Sông Cầu đầu tư cây cối, lưới thép để trồng và làm mới trên đất để “đón” đền bù chắc chắn không hề nhỏ so với thu nhập của họ.
Chính sách đền bù giải phóng mặt bằng của Nhà nước là công bằng, đúng đối tượng. Vì vậy các biểu hiện không minh bạch nói trên của một bộ phận người dân sẽ được điều tra, xác minh. Nếu đúng bản chất trục lợi, chắc chắn họ sẽ không được đền bù. Như vậy thiệt hại kinh tế chính người dân phải tự gánh chịu, phần lợi thuộc về những người bán cây và lưới thép.
Kiên quyết không đền bù đối với những trường hợp trục lợi
Trao đổi với phóng viên Báo Bắc Kạn về vấn đề “nóng” đang diễn ra trong công tác giải phóng mặt bằng ở xã Nông Thượng và tổ 16 phường Sông Cầu, bà Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn cho biết: Là địa phương được tỉnh giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án Đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới – Bắc Kạn, UBND thành phố đã nhanh chóng ban hành Thông báo số 33/TB-UBND ngày 22/3/2024 về triển khai công tác giải phóng mặt bằng đối với dự án này tới các địa phương nơi tuyến đường đi qua. Lãnh đạo UBND thành phố đã trực tiếp xuống cơ sở cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến về chủ trương thu hồi đất phục vụ thi công dự án; đồng thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, đặc biệt nhấn mạnh đến việc người dân có trách nhiệm giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất, không tự ý cơi nới, xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc, không trồng thêm cây lâu năm… chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên qua thăm nắm tại cơ sở và phản ánh của cơ quan chức năng, lãnh đạo UBND thành phố đã nắm được việc một bộ phận người dân đang cố ý cơi nới, trồng một số loại cây lâu năm, có dấu hiệu trục lợi chính sách trong thực hiện đền bù GPMB. Trước vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố đã lập tức chỉ đạo thành lập một tổ công tác làm việc trực tiếp với UBND xã Nông Thượng để kiểm tra, rà soát công tác GPMB. Tổ công tác đã đi làm việc tới từng hộ gia đình để tuyên truyền, nhắc nhở đồng thời lập biên bản đối với những trường hợp cố tình vi phạm.
Bà Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn: UBND thành phố sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để có những biện pháp cứng rắn, quyết liệt, kiên quyết không để tình trạng trục lợi chính sách xảy ra trên địa bàn liên quan đến đền bù GPMB.
Bà Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch UBND TP. Bắc Kạn |
Trì trệ, trục lợi, tham nhũng trong đền bù giải phóng mặt bằng là vấn đề hoàn toàn có thể xảy ra ở bất cứ địa phương nào nếu như người dân và các bộ phận liên quan không nhận thức đầy đủ, cố tình vi phạm các quy định của pháp luật. Để ngăn chặn tình trạng “đón’ đền bù, thiết nghĩ các ngành chức năng và chính quyền địa phương phải kiểm soát thực địa chặt chẽ hơn, xử lý nghiêm đối với những hộ vi phạm, trục lợi.
Thời gian tới, Bắc Kạn sẽ triển khai nhiều dự án trọng điểm về giao thông nhằm phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại nên nhiệm vụ giải phóng mặt bằng còn khá nặng nề. Bài học kinh nghiệm từ địa phương này sẽ được rút kinh nghiệm và khắc phục ở nơi khác, nhất định không để tình trạng xấu tiếp diễn, trở thành tiền lệ.
Một con đường đi qua địa phương sẽ đánh thức toàn bộ nguồn lực, tiềm lực chưa được khai thác cũng như giá trị sử dụng đất, hình thành các cụm kinh tế, công nghiệp, khu đô thị, du lịch… Do đó làm tốt công tác GPMB cũng là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương nên rất cần sự đồng sức, đồng lòng của tất cả hệ thống từ Trung ương đến địa phương và đặc biệt là sự đồng thuận, chấp hành đúng các quy định pháp luật của Nhân dân./.