Tạo hành lang pháp lý về đất đai đồng bộ, chặt chẽ
Hằng năm, tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm ban hành các cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ nguồn lực đất đai. Đặc biệt, ngay sau khi Luật Đất đai 2024 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành, tỉnh đã khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật trên địa bàn tỉnh, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ cho việc quản lý sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn lực đất đai. Đến thời điểm hiện tại, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành 9 văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trong đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai năm 2024 áp dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Quyết định ban hành một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Quyết định quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. HĐND tỉnh khóa X nhiệm kỳ 2021 – 2026 quy định các tiêu chí để quyết định thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất xây dựng khu đô thị, khu dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn…
Đáng chú ý, tháng 12/2024, HĐND tỉnh Bắc Kạn thông qua Nghị quyết quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn. Theo đó, tỉnh hỗ trợ hoàn toàn kinh phí đo đạc, lập hồ sơ địa chính khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, cá nhân là người dân tộc thiểu số không có đất ở thì được giao đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác sang đất ở trong hạn mức và được miễn tiền sử dụng đất. Trường hợp thiếu đất ở so với hạn mức giao đất thì được chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác sang đất ở và được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích trong hạn mức giao. Chính sách mới này hướng tới đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đúng đối tượng đảm bảo theo quy định; đồng thời việc triển khai chính sách hỗ trợ cho các đối tượng gắn với các giải pháp về đảm bảo quỹ đất ở, quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Ngoài ra, để đảm bảo bảng giá đất được điều chỉnh tiệm cận hơn với giá đất thực tế phổ biến trên thị trường, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện điều chỉnh, bổ sung điều chỉnh bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024, ban hành hệ số điều chỉnh giá đất hằng năm (hệ số K) và ban hành các chỉ tiêu áp dụng trong phương pháp thặng dư của địa phương. Sự thay đổi này nhằm giải quyết những bất cập của quy định của pháp luật về định giá đất trước đây dẫn đến giá đất trong bảng giá thường thấp hơn so với giá thị trường.
Việc ban hành các quy định đã tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý sử dụng đất, quy hoạch đất đai trên địa bàn. Các nội dung quy hoạch sử dụng đất đảm bảo phù hợp để dành quỹ đất cho phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở dân cư, phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, công nghiệp…, qua đó tạo nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Triển khai thi hành Luật Đất đai để khai thác hiệu quả quỹ đất
Với tổng diện tích đất tự nhiên trên 485.000 ha, tỉnh Bắc Kạn quản lý, sử dụng đất ngày một hiệu quả. Triển khai thực hiện tốt Luật Đất đai sẽ góp phần khai thác hiệu quả quỹ đất, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất, tạo ra quỹ đất để khai thác, phát triển, giải quyết nhu cầu về đất ở, tạo mặt bằng sạch để thu hút đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị, tái định cư, thương mại, dịch vụ, dự án khu, cụm công nghiệp; đảm bảo việc quản lý, sử dụng đất tiết kiệm, góp phần chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn.
Những năm qua, để chống lãng phí trong sử dụng tài nguyên đất đai, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương giải quyết dứt điểm, kịp thời các vướng mắc, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng nhiều dự án trọng điểm thúc đẩy kinh tế phát triển, như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn – hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang; Dự án khu dân cư thương mại chợ Nguyễn Thị Minh Khai… và tới đây là chuẩn bị triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Chợ Mới – thành phố Bắc Kạn.
Tỉnh Bắc Kạn đang triển khai thực hiện tốt công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thông tin về khu đất, quỹ đất sạch bán đấu giá để doanh nghiệp, người dân dễ dàng tiếp cận, đây là một nội dung các địa phương phải tập trung thực hiện theo Luật Đất đai. Lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành và các huyện, thành phố tập trung thực hiện đồng bộ giải pháp theo kế hoạch về thực hiện nhiệm vụ cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đồng thời, chú trọng cải cách các quy trình giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Các lĩnh vực nông lâm nghiệp, công nghiệp, y tế, giáo dục, văn hóa xã hội cũng được quy hoạch để sử dụng đất một cách hợp lý.
Huyện Pác Nặm tập trung thực hiện tốt Luật Đất đai
Là địa phương có trên 98% là đồng bào dân tộc thiểu số nên người dân huyện Pác Nặm được hưởng lợi nhiều từ chính sách mới của Luật Đất đai và Nghị quyết về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Huyện có tổng diện tích tự nhiên là trên 47.300 ha, trong đó đất nông nghiệp 45.900 ha, đất phi nông nghiệp 1.298 ha, đất chưa sử dụng 108 ha.
Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm Đào Duy Hưng cho rằng, Luật Đất đai mới và các chính sách của tỉnh, trong đó có Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh giúp huyện Pác Nặm vận dụng trong thực tiễn dễ dàng hơn; trong đó, đã tháo gỡ khó khăn về việc bố trí đất sinh hoạt cộng đồng, đồng thời hỗ trợ thiết thực về chính sách đất đai lần đầu cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đối với địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Pác Nặm.
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, việc triển khai thực hiện Luật Đất đai còn một số khó khăn do một số ít nội dung giữa các quy định và Luật chưa rõ ràng, thống nhất, tuy nhiên với quyết tâm cao, huyện Pác Nặm sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt các quy định của Luật và chính sách của tỉnh để đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trên địa bàn thực hiện các thủ tục hành chính và hưởng lợi từ chính sách về đất đai.
Thành phố Bắc Kạn hiện nay cũng đang triển khai thực hiện các nội dung theo Luật Đất đai nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Nhà nước tại cơ sở. Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện đã phát sinh một số khó khăn, nội dung Luật Đất đai năm 2024 không có quy định giải quyết đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai sau ngày 1/7/2024. Do đó, biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục tình trạng của đất trước khi vi phạm là khó khăn, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các cá nhân. Đối với các thửa đất liên quan, khi người dân có nhu cầu được thực hiện các thủ tục về đất đai nhưng không đủ điều kiện thực hiện. Vì vậy, UBND thành phố đã đề nghị bổ sung quy định hướng dẫn thực hiện đối với trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai sau ngày 1/7/2024 đối với trường hợp sử dụng đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn.
Qua thời gian triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2024, tỉnh Bắc Kạn còn một số khó khăn khi thực hiện quy định về thông tin thửa đất, tách, hợp thửa đất, việc in giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất… Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tháo gỡ khó khăn cho địa phương. Những nội dung của Luật đang được địa phương triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, cùng với các chính sách của tỉnh được ban hành kịp thời đã giúp cho địa phương giải quyết những khó khăn, vướng mắc khi triển khai các quy định về đất đai, giúp cải thiện điều kiện sống của người dân tộc thiểu số, đồng thời góp phần gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giải quyết hài hòa lợi ích trong xã hội.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, phát huy tối đa nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục nghiên cứu ban hành các quy định làm căn cứ pháp lý để thực hiện Luật Đất đai năm 2024, đồng thời tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên đất đai bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững./.
Nguồn: https://backan.gov.vn/Pages/de-tai-nguyen-dat-dai-thanh-nguon-luc-phat-trien-ed30.aspx