Cục Thuế tỉnh cho biết, mặc dù cơ quan thuế đã áp dụng nhiều giải pháp quản lý thuế, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt về công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số trên địa bàn, tuy nhiên kết quả đạt được còn hạn chế. Từ năm 2022 đến tháng 6/2024, tổng số thuế đã thu được là 66 tỷ đồng (nguồn thu từ Youtube và các hộ kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử).
Công tác triển khai hóa đơn điện tử từng lần đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu được thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và UBND tỉnh. Tuy nhiên trên thực tế, các doanh nghiệp nhỏ, cây xăng dầu đều là cột bơm cũ, chi phí để lắp đặt các trụ bơm mới gắn được thiết bị kết nối với cơ quan thuế có chi phí khá cao (từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng). Một số cửa hàng bán lẻ tại vùng sâu, vùng xa, mỗi lần bán hàng có doanh thu rất thấp, nhiều cửa hàng chỉ có 01 người vừa là chủ, vừa bán hàng, vừa xuất hóa đơn… do đó gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.
Đến ngày 31/3/2024, có 100% các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã hoàn thành việc đăng ký, sử dụng hoá đơn điện tử theo từng lần bán hàng, gồm 34 doanh nghiệp, trong đó có 74 cửa hàng, 201 cột bơm.
Trong công tác triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) khởi tạo từ máy tính tiền: Đối với các cơ sở kinh doanh đã đăng ký áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền trong năm 2023 nhưng chưa sử dụng thì tiếp tục rà soát và nắm bắt nguyên nhân chủ quan, khách quan để tìm giải pháp khắc phục. Phấn đấu hết năm 2024, 100% cơ sở kinh doanh đã đăng ký phải sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền. Phấn đấu đến ngày 30/6/2024 toàn tỉnh đạt chỉ tiêu 30% người nộp thuế thuộc diện triển khai áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền.
Đến ngày 24/6/2024, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 34/138 tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, trong đó có 28 doanh nghiệp, 06 hộ kinh doanh đã đăng ký với tổng số hóa đơn đã sử dụng là 36.645 hóa đơn.
Đối với công tác triển khai tem điện tử rượu, hiện nay Cục Thuế đã quản lý thu thuế 19 tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã (13/19 đơn vị là hợp tác xã) và 122 hộ cá nhân được cấp phép hoạt động sản xuất kinh doanh rượu thủ công.
Tại cuộc họp, đại diện các sở, ban ngành, huyện, thành phố các cơ quan chức năng đã tập trung thảo luận và nêu ra những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện theo các nội dung liên quan đến quản lý thuế, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và đưa ra những giải pháp của ngành, lĩnh vực và địa phương.
Kết luận buổi làm việc, ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận ngành Thuế đã chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản và tăng cường công tác quản lý thuế trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh, thương mại điện tử, hóa đơn điện tử. Lãnh đạo tỉnh đề nghị trong thời gian tới, Cục Thuế tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về việc thực hiện thương mại điện tử ở từng lĩnh vực, triển khai sâu rộng đến các sở, ban ngành, các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, địa phương và Nhân dân cùng vào cuộc.
Tăng cường công tác tuyên truyền trên cơ sở các nội dung do ngành Thuế biên soạn, phối hợp với các cơ quan truyền thông, các địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể và trên các trang mạng xã hội về công tác quản lý thuế trên môi trường điện tử.
Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản quy định về cơ chế phối hợp với các ngành quản lý thị trường, công an, thông tin truyền thông, công thương, ngân hàng… Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh công tác hướng dẫn, tập huấn cho các tổ chức, doanh nghiệp, người nộp thuế về các nội dung triển khai thuế điện tử. Đề nghị các cơ quan chức năng thường xuyên cung cấp thông tin cho ngành Thuế, các địa phương tăng cường rà soát, bám sát địa bàn nắm bắt hoạt động kinh doanh và hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội…/.
Nguồn: https://baobackan.vn/bac-kan-ban-giai-phap-quan-ly-thue-tren-moi-truong-dien-tu-post64213.html