Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có các đồng chí: Hoàng Duy Chinh – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Đăng Bình – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn
Đây là hội nghị đầu tiên giữa Chính phủ và các địa phương sau khi Chính phủ được kiện toàn sau Kỳ họp bất thường thứ 9 của Quốc hội khóa XV, bế mạc ngày 19/2. Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỷ USD.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, bối cảnh, tình hình năm 2025 dự báo có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; khó khăn, thách thức nhiều hơn nhưng cũng có các cơ hội, thời cơ mới từ sự thay đổi của cục diện kinh tế, chính trị thế giới, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, thương mại, đầu tư toàn cầu và các xu thế lớn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo (AI), kinh tế số, kinh tế xanh… có thể tác động không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế nước ta.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, có 8 động lực tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương năm 2025. Thứ nhất, những thành tựu của đất nước, các ngành, lĩnh vực, địa phương sau 40 năm đổi mới, tạo vị thế, uy tín và động lực cho tăng trưởng cao trong thời gian tới. Thứ hai, áp dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm đã được Trung ương, Chính phủ tổng kết, rút ra trong công tác chỉ đạo, điều hành tăng trưởng, nhất là trong năm 2024. Thứ ba, tư duy mới, cách làm mới, thể chế mới, đột phá và các chính sách, giải pháp linh hoạt, đồng bộ, sáng tạo trong triển khai thực hiện, đặc biệt là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương được áp dụng cơ chế thí điểm, đặc thù. Thứ tư, hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả. Thứ năm, các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác hiệu quả các hành lang kinh tế, không gian, động lực phát triển mới từ các dự án hạ tầng chiến lược, các thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng. Thứ sáu, Quốc hội đã cho phép điều chỉnh các chỉ tiêu lạm phát, bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài…, tạo điều kiện để đẩy mạnh các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng. Thứ bảy, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp nhà nước; các nguồn lực bị ách tắc, lãng phí được đưa ngay vào nền kinh tế. Thứ tám, chính sách, quy định mới, đột phá trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Về tình hình giải ngân, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đến ngày 31/1/2025 là 635,6 nghìn tỷ đồng, đạt 93,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 93,12%). Đến ngày 31/1/2025, các bộ, cơ quan, địa phương đã phân bổ chi tiết 741,1 nghìn tỷ đồng, đạt 89,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn chưa phân bổ chi tiết là 84,8 nghìn tỷ đồng.
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đều cho rằng đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng song rất nặng nề, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân cả nước. Để đạt mục tiêu, phải có sự phát triển, tăng trưởng đồng bộ của tất cả các bộ ngành, địa phương, các lĩnh vực phải tăng trưởng trên 8%, doanh nghiệp trong và ngoài nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân… đều phải tăng trưởng trên 8%. Một số ý kiến cũng nêu lên những khó khăn, vướng mắc cần phải được tập trung tháo gỡ sớm nhằm tạo động lực cho tăng trưởng.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các ngành, các địa phương phải giao nhiệm vụ về tăng trưởng kinh tế cho đơn vị cấp dưới các mục tiêu cụ thể; tăng cường gặp gỡ, tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thủ tướng nêu rõ, muốn cả nước tăng trưởng trên 8% thì tất cả các bộ, ngành, địa phương, các lĩnh vực phải tăng trưởng trên 8%, doanh nghiệp trong và ngoài nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân… đều phải tăng trưởng trên 8%; làm mới các động lực truyền thống, như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; khai thác không gian biển, không gian ngầm, không gian vũ trụ; tập trung thay đổi tư duy, tầm nhìn chiến lược, nghĩ sâu, làm lớn về phát triển kinh tế, quản lý kinh tế, ứng biến linh hoạt với biến động thị trường quốc tế; phát huy sức mạnh nguồn lực từ Nhân dân…/.
Nguồn: https://backan.gov.vn/Pages/hoi-nghi-chinh-phu-voi-cac-dia-phuong-ve-tang-truo-518f.aspx