Tỉnh Bắc Kạn quan tâm tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư,
tạo cơ hội cho doanh nghiệp và thu hút đầu tư vào tỉnh
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm, dài hạn của tỉnh. Việc chú trọng, quan tâm và đồng hành với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ tạo uy tín, năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm của tỉnh, đồng thời có sức hấp dẫn trong việc thu hút đầu tư, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh bền vững.
Trong đánh giá, xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” là một chỉ tiêu quan trọng trong 10 chỉ số đánh giá thành phần, chiếm tới 15% điểm số PCI và là công cụ đo lường, đánh giá công tác quản lý, điều hành kinh tế dựa trên các hoạt động để phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, tăng cường và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó trọng tâm là hỗ trợ chương trình khởi sự doanh nghiệp; trợ giúp doanh nghiệp trong kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm, đào tạo nhân lực, tổ chức các hoạt động trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp; tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách thu hút đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Nhà nước tới doanh nghiệp; tổ chức các hội nghị xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước… Kết quả mang lại sự đột phá lớn, năm 2022, tỉnh Bắc Kạn đã có sự cải thiện vượt bậc khi Chỉ số PCI của tỉnh tăng 13 bậc so với năm 2021, xếp hạng thứ 35/63 tỉnh, thành phố. Đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của chính quyền các cấp, các ngành và lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn, cùng với sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp dành cho tỉnh Bắc Kạn.
Tuy nhiên, theo kết quả đánh giá Chỉ số PCI năm 2023 cho thấy, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp không có sự thay đổi rõ nét so với năm 2022. Mặc dù một số chỉ số thành phần của tỉnh Bắc Kạn đã có sự cải thiện, tuy nhiên, đối với chỉ số về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp không được đánh giá cao. Điểm số của chỉ số này năm 2023 ở vị trí thấp nhất trong 63 tỉnh, thành phố. Nhiều ý kiến từ phía các hiệp hội và doanh nghiệp ở địa phương đều có chung nhận định rằng, việc triển khai các chương trình trợ giúp doanh nghiệp trong khuôn khổ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn, chưa đáp ứng được mong đợi của số đông doanh nghiệp trong bối cảnh toàn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, xung đột chiến tranh địa giới, khủng hoảng kinh tế thế giới và trong nước, thị trường bất động sản đóng băng, nhiều vụ việc thanh tra, kiểm tra và kỷ luật. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp đều phải nỗ lực duy trì hoạt động để thích ứng tình hình mới, và hơn lúc nào hết, đây là thời điểm chính quyền các địa phương, các sở, ban, ngành cần nhìn lại để nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Với quyết tâm cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao điểm số và thứ hạng Chỉ số PCI của tỉnh, theo nội dung Đề án “Nâng cao chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn từ góc độ PCI”, tỉnh Bắc Kạn sẽ cải thiện, nâng cao toàn diện điểm số của các chỉ số thành phần, trong đó đẩy mạnh Chỉ số thành phần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần cải thiện Chỉ số PCI của tỉnh.
Tỉnh đã đưa ra các giải pháp cụ thể đẩy mạnh phát triển số lượng doanh nghiệp thành lập mới, nâng cao chất lượng, quy mô và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tăng cường thu hút đầu tư vào tỉnh, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân, góp phần nâng cao quy mô nền kinh tế của tỉnh.
Theo đó, trong thời gian tới, cùng với việc triển khai đầy đủ các quy chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh sẽ cụ thể hoá các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao Chỉ số PCI giai đoạn 2022 – 2025 gắn trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, từ đó có những chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả đến các cán bộ, công chức, viên chức hiểu để nỗ lực, quyết tâm, chung tay nâng cao chất lượng phục vụ, cải thiện Chỉ số PCI; đồng thời chấn chỉnh, xử lý kịp thời những biểu hiện tiêu cực trong giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp.
Quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hoá thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích; ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, nâng cao tính minh bạch thông tin. Hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, khuyến khích và có các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tỉnh cũng tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về lĩnh vực đất đai, lĩnh vực lâm nghiệp, khoáng sản, công tác giải phóng mặt bằng… để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; đồng thời đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tăng cường gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp từ tỉnh đến cơ sở để kịp thời hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Phát huy vai trò, tính kết nối, chia sẻ của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tổ chức các chương trình, hoạt động miễn phí hoặc giảm phí đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp về phương án kinh doanh, thuế, kế toán, đăng ký thành lập doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp. Tăng cường các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp như tư vấn pháp luật, phương án kinh doanh, kế toán, đào tạo,…
Về phía các doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn cũng cần nỗ lực phát huy tinh thần tự lực, tự cường, sáng tạo, vượt mọi khó khăn; chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân.
Doanh nghiệp cần xác định phát triển hài hòa 3 mục tiêu của tam giác phát triển là: Kinh tế – Xã hội – Môi trường. Doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh theo quy hoạch, định hướng của Nhà nước, tuân thủ pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường; tích cực tham gia chuyển đổi số, đổi mới công nghệ, áp dụng các mô hình kinh doanh mới, thân thiện với môi trường để phát triển bền vững.
Các doanh nghiệp phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động; mạnh dạn thay đổi mô hình kinh doanh từ hoạt động trong lĩnh vực sử dụng vốn ngân sách nhà nước sang lĩnh vực đầu tư ngoài ngân sách. Quan tâm đầu tư cho nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao, quan tâm đến thu nhập của người lao động. Tích cực tham gia các hội nghị, gặp gỡ, đối thoại do tỉnh tổ chức, qua đó đưa ra được tiếng nói, ý kiến của mình về tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…/.
Nguồn: https://backan.gov.vn/Pages/nang-cao-chi-so-chinh-sach-ho-tro-doanh-nghiep-tre-56bf.aspx