Vùng sản xuất lúa Bao thai Chợ Đồn, J02 theo tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn |
Nhằm nâng cao giá trị và hướng đến sản xuất lúa hàng hóa, những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã nghiên cứu và đưa vào khảo nghiệm một số giống lúa chất lượng; tiến hành phục tráng giống lúa bản địa có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao như giống lúa Bao thai Chợ Đồn, Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, Nếp Tài, Khẩu Nua Pái… tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, tạo dựng thương hiệu để nâng cao khả năng cạnh tranh và gia tăng giá trị cho sản phẩm. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Khoa học và Công nghệ thông qua việc xây dựng các mô hình trình diễn đã tổ chức các đợt tập huấn cho nông dân ngay tại chân ruộng nên người trồng lúa ngày càng có nhận thức đúng đắn hơn về việc sản xuất theo hướng chất lượng cao.
Hiện nay, các giống lúa bản địa sau phục tráng đang được mở rộng phát triển. Giống lúa Bao thai Chợ Đồn được nông dân lựa chọn sử dụng với phần lớn diện tích sản xuất vụ mùa và phát triển thành vùng nguyên liệu tại huyện Chợ Đồn với diện tích gần 2.000 ha; Khẩu Nua Lếch phát triển thành vùng nguyên liệu tại huyện Ngân Sơn với diện tích hơn 100 ha; Nếp Tài đang được phục tráng và mở rộng tại một số xã của huyện Ba Bể. Gạo Bao thai Chợ Đồn, Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, Nếp Tài đã có được thương hiệu riêng, được công nhận sản phẩm OCOP 3 – 4 sao; một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã ký kết thu mua hết cho người dân sản xuất ra để chế biến thành gạo hàng hóa hoặc chế biến thành sản phẩm như mì, phở, bún.
Cùng với phục tráng thành công các giống lúa bản địa, qua khảo nghiệm, tỉnh đã tuyển chọn được một số giống lúa chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của địa phương, đáng chú ý là giống lúa J02 (giống lúa dòng Japonica có nguồn gốc từ Nhật Bản được phát triển bởi Viện Di truyền nông nghiệp, có nhiều ưu điểm vượt trội về năng suất và chất lượng của gạo) được tỉnh đưa vào trồng thử nghiệm từ năm 2018. Đến nay, lúa J02 đã được tỉnh đưa vào cơ cấu giống chỉ đạo sản xuất hằng năm, diện tích trồng đã được nhân rộng tại các huyện Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Đồn, Na Rì, Chợ Mới, Pác Nặm… Nông dân lựa chọn giống J02 sản xuất phục vụ nhu cầu gia đình và bán ra thị trường với giá thành cao hơn so với các loại giống lúa truyền thống. Một số địa phương đã phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị của thóc, gạo.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, đến nay, toàn tỉnh có hơn 3.000 ha diện tích sử dụng giống lúa chất lượng, trong đó diện tích giống lúa chất lượng gắn với tiêu thụ sản phẩm hằng năm thực hiện hơn 200 ha… Riêng năm 2024, toàn tỉnh thực hiện được trên 3.335 ha giống lúa chất lượng, trong đó diện tích giống lúa chất lượng gắn với tiêu thụ sản phẩm đạt 344 ha. Việc sử dụng lúa chất lượng cùng tuân thủ quy trình sản xuất hữu cơ trong sản xuất đã nâng tầm giá trị sản phẩm gạo Bắc Kạn, làm thay đổi tư duy sản xuất của bà con, không chỉ trồng lúa để giải quyết vấn đề lương thực mà còn nâng cao thu nhập.
Để nâng cao thu nhập cho người dân trồng lúa, hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đã và đang triển khai có hiệu quả một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm khuyến khích người dân phát triển lúa chất lượng, thay đổi nhận thức về sản xuất lúa hàng hóa, phát huy lợi thế địa phương./.
Nguồn: https://backan.gov.vn/Pages/day-manh-su-dung-giong-lua-chat-luong-vao-san-xuat-d507.aspx