Lãnh đạo Hội Cựu thanh niên xung phong Bắc Kạn dâng hương tưởng nhớ 10 nữ thanh niên xung phong
|
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Đất nước ta tạm thời bị chia cắt thành 2 miền, miền Bắc được giải phóng, miền Nam tiếp tục thực hiện cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai.
Đầu tháng 9/1954, Bộ Chính trị ra Nghị quyết “về tình hình mới, nhiệm vụ mới và chính sách mới của Đảng”, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ “phục hồi công tác đường xe lửa, đường ô tô, vận tải sông ngòi, bưu điện…”. Lực lượng thanh niên xung phong Bắc Kạn được điều động làm nhiệm vụ sửa chữa các tuyến đường giao thông, đặc biệt là đoạn Quốc lộ 3 qua địa bàn tỉnh.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về khôi phục sửa chữa Quốc lộ 3 từ giữa năm 1955, hơn 2.000 dân công và thanh niên xung phong trong tỉnh Bắc Kạn tham gia thi công, sửa chữa nâng cấp mặt đường, làm lại hàng chục ngầm qua suối. Đầu năm 1956, gần 150 km Quốc lộ 3 được hoàn thành, nhờ đó, hàng trăm tấn thiết bị, máy móc đã được vận chuyển thành công lên xây dựng mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng) đúng thời gian, kế hoạch.
Trong những năm kháng chiến, nhiều Đại đội thanh niên xung phong Bắc Kạn tham gia san lấp hố bom, ổ gà, sửa chữa cầu, làm đường, cầu, cống… Tháng 5/1961, trên 300 cán bộ, đội viên thanh niên xung phong thuộc Tiểu đoàn xung kích của Tỉnh đoàn Bắc Kạn lên đường thi công tuyến đường Bắc Kạn – Na Rì. Đây là tuyến đường đi qua các đoạn đèo cao, ta luy dựng đứng, núi đá tai mèo, vực sâu, nhất là đoạn đèo Áng Toòng khiến cho việc thi công rất nguy hiểm. Nhờ sự quyết tâm của cả Tiểu đoàn, năm 1965, tuyến đường cơ bản hoàn thành. Với những thành tích xuất sắc đó, Tiểu đoàn đã được Trung ương Đoàn tặng Cờ thi đua là đơn vị xuất sắc trong phong trào tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.
Năm 1962, để mở rộng và nâng cấp tuyến đường Chợ Rã đi Ba Bể, lực lượng thanh niên xung phong tỉnh Bắc Kạn không quản ngại khó khăn, gian khổ, quyết tâm hoàn thành tuyến đường Chợ Rã – Ba Bể vào năm 1965.
Ngày 14/6/1960, Đại đội thanh niên xung phong Bắc Kạn gồm 180 người do đồng chí Bế Thanh làm Đại đội trưởng hành quân lên Hà Giang cùng tham gia thi công tuyến đường từ Hà Giang lên cao nguyên Đồng Văn – Mèo Vạc. Trên tuyến đường dài hơn 180 km, Đại đội thanh niên xung phong Bắc Kạn đảm nhận thi công từ cổng trời Quản Bạ đi Mã Pì Lèng. Đây là đoạn đường rất hiểm trở, thi công rất khó khăn và đầy nguy hiểm. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, toàn đơn vị quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào thành tích chung xây dựng thành công “Con đường Hạnh Phúc”, con đường đoàn kết các dân tộc lịch sử và huyền thoại.
Năm 1965, trước yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, đáp ứng lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ “tất cả vì Miền Nam ruột thịt”, hàng chục vạn thanh niên cả nước tình nguyện gia nhập lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Ngày 1/2/1966, Đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước 91 Bắc Thái được thành lập gồm 614 đội viên, làm nhiệm vụ sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường trọng yếu, góp phần lưu thông hàng hóa, vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm ra tiền tuyến.
Trước hành động leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt các công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn tỉnh, tháng 11/1967, Đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước được thành lập. Đội đóng vai trò chủ lực trong công tác xây dựng, sửa chữa, ứng cứu các công trình thủy lợi bị máy bay Mỹ bắn phá.
Để giải quyết những đòi hỏi cấp bách trong giao thông vận tải phục vụ chiến trường miền Nam, đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tháng 7/1973, Đại đội thanh niên xung phòng 28A-28B với 354 đội viên được thành lập, Đại đội có 106 đội viên tỉnh Bắc Kạn làm nhiệm vụ xây dựng lại cầu do máy bay địch bắn phá, sửa chữa nâng cấp và làm mới nhiều đường giao thông, góp phần cùng toàn quân, toàn dân cả nước làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, các thế hệ thanh niên xung phong Bắc Kạn đã cống hiến, hy sinh, hun đúc truyền thống vẻ vang của thanh niên xung phong Việt Nam; tình nguyện làm bất cứ việc gì, đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần. Đó thực sự là những biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và thế hệ trẻ, là niềm tự hào của thanh niên tỉnh nhà./.
Nguồn: https://backan.gov.vn/Pages/thanh-nien-xung-phong-bac-kan-dong-gop-quan-trong–3253.aspx