Dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm.
Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Bắc Kạn |
Dự tại điểm cầu Bắc Kạn có thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm; tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh.
Việt Nam đặt ra mục tiêu “Giảm số người nhiễm HIV, người tử vong liên quan đến AIDS, chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030”, giảm tối đa tác động của HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế – xã hội; huy động sự tham gia, hỗ trợ, sự đồng tâm hợp lực của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS, qua đó giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.
Tại lễ mít tinh, đại biểu được xem phóng sự về cảnh báo dịch HIV/AIDS, thách thức đạt mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030; được nghe phát biểu chỉ đạo của lãnh đạo Đảng về công tác phòng chống HIV/AIDS, phát biểu của các nhà tài trợ, đại diện cộng đồng bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Vi rút HIV gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch ở người, làm cho cơ thể con người không còn sức chống đỡ lại các bệnh tật và dễ có nguy cơ tử vong. Năm 1981, tại Los Angerles – Mỹ, lần đầu tiên trên thế giới, con người phát hiện ra vi rút HIV. Cho đến nay, trên Thế giới có khoảng 60 triệu người nhiễm HIV/AIDS và trong số đó có hơn 30 triệu người đã tử vong do AIDS.
Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tính đến hết năm 2023, Việt Nam ghi nhận 234.220 người nhiễm HIV đã được phát hiện và đang còn sống, 114.195 người nhiễm HIV đã tử vong; độ tuổi mắc chủ yếu tập trung từ 15 đến 39 tuổi (chiếm 87%), trên 39 tuổi (chiếm 13%).
Đến nay, đại dịch HIV/AIDS chưa được kiểm soát hoàn toàn, vẫn đang là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người; ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội và tương lai nòi giống của các quốc gia, dân tộc.
Phát biểu chỉ đạo và hưởng ứng lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, những năm qua, thế giới có nhiều giải pháp phòng chống căn bệnh này. Theo đó, nhiều tiến bộ khoa học đã được phát minh, nhiều sáng kiến đã được triển khai và nhân rộng, hàng trăm triệu người đã tránh khỏi bị lây nhiễm HIV, hàng chục triệu người tránh khỏi tử vong do AIDS. Ở Việt Nam, công tác phòng chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và Nhân dân được nâng lên và đạt nhiều mục tiêu trong công tác này.
Tuy nhiên, cuộc chiến chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều khó khăn, đại dịch HIV/AIDS vẫn là mối đe dọa trực tiếp sức khỏe và tính mạng con người, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội và tương lai nòi giống của nhân loại, vẫn còn sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, các tổ chức chính trị xã hội xác định công tác phòng chống HIV/AIDS là một nội dung trong chương trình phát triển kinh tế – xã hội, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách cho công tác phòng chống HIV/AIDS; rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về phòng chống HIV/AIDS.
Ngành Y tế huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống HIV/AIDS, tập trung triển khai các giải pháp chuyên môn phòng chống và ưu tiên các địa bàn, cơ sở có nguy cơ lây nhiễm cao; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS; huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong điều trị bệnh.
Người đang sống chung với HIV/AIDS cần có cái nhìn tích cực, tư duy mới, tiếp cận quyền lợi chăm sóc sức khỏe cho bản thân, hướng tới một xã hội không còn kỳ thị, phân biệt đối xử và một tương lai không còn HIV/AIDS./.
Nguồn: https://backan.gov.vn/Pages/bo-y-te-to-chuc-mit-tinh-cap-quoc-gia-huong-ung-ng-81e6.aspx